Cuộc đời hoạt động gần sáu mươi năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm hai mươi đến những năm tám mươi của thế kỷ XX. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lý tưởng và hoài bão suốt đời của đồng chí là Tổ quốc độc lập và thống nhất, nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình. Vai trò lãnh đạo của đồng chí thể hiện nổi bật ở những giai đoạn cách mạng sau:
Năm 1939 khi được giao trọng trách Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: từ đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết Hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của mặt trận dân tộc thống nhất. Động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Quân và dân Nam Bộ đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại hoàn toàn âm mưu địch đánh chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để thôn tính nước ta. Từ thành công của kháng chiến ở Nam Bộ, Đảng ta đã rút ra những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước sau này.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở vào một thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go và nặng nề cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Trong những năm đen tối dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam" (8/1956). Đề cương ra đời đã góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Từ khi rời Sài Gòn - Chợ Lớn ra Trung ương cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí đối với cách mạng miền Nam được thể hiện tập trung trong 31 bức điện, thư (tập Thư vào Nam) được viết trong thời gian từ tháng 2/1961 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí góp phần quan trọng để Đảng ta tìm ra giải pháp tối ưu đưa cách mạng miền Nam tiến lên một cách vững chắc: Mở đầu chiến tranh một cách có lợi nhất bằng phát động khởi nghĩa từng phần trên quy mô rộng lớn, chuyển cách mạng miền Nam từ thế bảo toàn lực lượng sang thế tiến công, làm thất bại về cơ bản cuộc “chiến tranh đơn phương” của Mỹ - Nguỵ. Từ đó tiến lên giành thế chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các bước leo thang, các chiến lược chiến tranh của địch, tạo ra những bước ngoặc làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, làm lung lay và đập tan ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuối cùng, kịp thời nắm lấy thời cơ lịch sử, mở những trận quyết chiến chiến lược, đánh nhanh, thắng gọn, kết thúc chiến tranh theo ý định của ta, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí tiếp tục có những cống hiến to lớn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, do đó đầy những gian nan, thử thách. Mặt khác, trong thời gian này, chúng ta vừa phải xây dựng đất nước, vừa phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng một bước nghiêm trọng. Từ Đại hội V của Đảng, công cuộc xây dựng kinh tế bước đầu có sự điều chỉnh. Tuy có khuyết điểm sai lầm như Đại hội VI đã vạch ra, kế hoạch 1981- 1985 vẫn đạt những thành tựu quan trọng trong thế bị bao vây chống phá từ bên ngoài. Một số công trình lớn về công nghiệp, giao thông như: điện, dầu khí, xi măng, cầu đường, thuỷ lợi được xây dựng những năm đó, vừa là cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu tối cần thiết của đất nước, vừa là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề rất quan trọng cho thời kỳ đổi mới”, tư tưởng “làm cho sản xuất bung ra” trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV), về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, tháng 1/1981), về xác định quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh (Nghị quyết 25/CP, 1981) là những nhân tố đầu tiên của quá trình đổi mới, làm cơ sở để đến Đại hội VI chính thức thông qua đường lối đổi mới toàn diện, tạo bước ngoặc thực sự trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Nhân kỷ niệm 107 năm Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Noi gương đồng chí, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tăng cường đoàn kết nhất trí, tranh thủ thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, quyết tâm giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới toàn diện dất nước, hội nhập quốc tế, thực hiện có kết quả nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./
1. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng (07/4/1907 - 07/4/2007).
2. Bài viết của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Kỷ niệm 50 “Đề cương cách mạng Miền Nam” - Nhớ đồng chí Lê Duẩn.
3. Bài viết của PGS, TS Lê Văn Tích Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Hai đóng góp lớn của đồng chí Lê Duẩn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.