Từ ngày 21/10/2017 đến ngày 27/10/2017, đoàn Trường Chính trị Bình Thuận gồm 9 thành viên do Ths. Nguyễn Thị Thuận Bích - TUV, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, thực hiện chuyến đi nghiên cứu thực tế tại 3 tỉnh Đắk Lắk, KonTum và Lâm Đồng.
Ngày thứ nhất của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi khởi hành vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 21/10/2017 tại trường và có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào lúc 14 giờ cùng ngày. Với một chặng đường dài trên những nẻo đường đèo gập ghềnh, khúc khủy, các thành viên trong đoàn tuy rất mệt nhưng cũng rất háo hức khi trên đường chúng tôi được nhìn thấy những bông hoa dã quỳ vàng rực, những rặng cà phê, rặng tiêu thẳng tấp, những cánh rừng cao su thay lá xanh ngát nhẹ nhàng,… tất cả hòa nguyện như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ngày thứ hai của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi có chuyến thăm quan đầu tiên tại trung tâm du lịch Buôn Đôn. Tại đây, các thành viên trong đoàn được tận mắt nhìn thấy cuộc sống buôn làng; đi một vòng cầu treo bắc qua ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông Sêrêpốk – con sông duy nhất của Việt Nam chảy ngược về phía Tây; nhìn những chú voi cõng du khách trên lưng vượt sông Sêrêpốk,... Và trong chuyến tham quan này, đoàn chúng tôi còn được thưởng thức món cơm lam, gà nướng Buôn Đôn,... vô cùng đặc sắc.
Ngày thứ ba của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi đến thăm bảo tàng các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, với thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê. Nơi đây trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của hơn 44 dân tộc anh em đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét.
Sau đó, chúng tôi đến Bảo tàng Đắk Lắk. Có thể nói, so với các bảo tàng cấp tỉnh trong khu vực, Bảo tàng Đắk Lắk đã tạo nên một phong cách riêng với phương pháp trưng bày hiện đại. Hệ thống thông tin được chuyển tải qua các bài giới thiệu, các chú thích, ảnh, phim... bằng ngôn ngữ của dân tộc Ê đê bên cạnh các ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn sử dụng cả ngôn ngữ của các dân tộc khác trong tên gọi những hiện vật của chính họ, thể hiện sự tôn trọng chủ thể văn hóa, tôn trọng cộng đồng. Không những thế, Bảo tàng Đắk Lắk còn chứng tỏ sự nhanh nhạy qua việc đưa một phần trưng bày về cảnh báo môi trường trong điều kiện thế giới đang nóng lên về việc biến đổi khí hậu của trái đất như hiện nay.
Và như thông lệ, ở thành phố được coi là thủ phủ cà phê này, việc đi uống cà phê là một nét văn hóa, một phong cách sống. Vì vậy, các thành viên trong đoàn đã tận hưởng một buổi tối êm đềm bên tách cà phê nồng đượm hương vị đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Ngày thứ tư của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi viếng thăm Nhà Đày Buôn Ma thuột. Cũng giống như các nhà tù trên khắp đất nước Việt Nam, Nhà Đày Buôn Ma Thuột không chỉ là một trong những điểm lịch sử lưu lại những chiến tích tội ác của Đế quốc - Thực dân, mà nơi đây cũng chính là một trong trường học lớn đào tạo và rèn luyện những chiến sĩ cách mạng kiên cường nhất. Nhiều đồng chí về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội như: đ/c Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu,… Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nơi ươm mầm cho hạt giống cách mạng ở Đắk Lắk.
Tiếp theo, đoàn chúng tôi đến thăm quan Chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Đây là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt ở Tây Nguyên, được xây dựng vào năm 1951, do Đoan Huy hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) xây dựng nên. Đây được xem là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến và hiện tại vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk. Chùa có lối kiến trúc mô phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây Nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại.
Ngày thứ năm của chuyến nghiên cứu, đoàn chúng tôi chia tay tỉnh Đắk Lắk với một ấn tượng đặc biệt để đến với tỉnh KonTum - một tỉnh thuộc vùng cực bắc Tây Nguyên của Việt Nam. Ngay khi đến đây, đoàn chúng tôi được viếng thăm Nhà Ngục Kon Tum. Nhà Ngục Kon Tum một thời được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam giữ và đoạ đầy hơn 500 chiến sĩ cách mạng. Sự hà khắc, dã man và tàn bạo của kẻ thù ngày ấy chỉ có thể giam cầm, đày đọa được thể xác chứ không thể dập tắt, giết chết ý chí cách mạng của những chiến sĩ cách mạng. Đỉnh điểm của tinh thần cách mạng của các chiến sĩ là vào ngày 12/12/1931, tại Ngục Kon Tum đã diễn ra “Phản đối đi Đăk Pét”, “phản đối đánh đập, bắn giết tù chính trị”, “phản đối đi làm đường 14” và cuộc “Đấu tranh lưu huyết”, cuộc “Đấu tranh tuyệt thực”. Thực dân Pháp đã xả đạn vào những người tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tù chính trị đã biểu tình tuyệt thực 4 – 5 ngày và không còn sức lực. Ngục Kon Tum là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng.
Tiếp đến, đoàn chúng tôi ghé sang nhà thờ gỗ Kon Tum - là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc bản địa. Đây là một công trình đẹp, độc đáo được làm hoàn toàn bằng gỗ theo kiến trúc Roman kết hợp với kiểu kiến trúc nhà sàn của người Bana. Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ 19, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.
Ngày thứ sáu của chuyến nghiên cứu, trước khi tạm biệt tỉnh KonTum, chúng tôi được trường bạn mời dùng món Gỏi lá với đủ các loại rau từ quen thuộc đến các loại lá riêng biệt chỉ có tại vùng đất này mà lần đầu tiên chúng tôi mới được tận mắt thấy. Được biết, món ăn này vừa được công nhận top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á lần thứ hai - năm 2013.
Và điểm nghiên cứu thực tế cuối cùng của đoàn là tỉnh Lâm Đồng. Sau chuyến đi rất dài và mệt mỏi, chúng tôi được đặt chân đến với thành phố Đà lạt - thành phố của tình yêu. Tại đây, đoàn chúng tôi đến khu trưng bày hoa sấy khô nằm bên trong khu du lịch rừng hoa Đà Lạt. Nơi đây hiện trưng bày hàng trăm mẫu hoa khô với nhiều kiểu dáng độc đáo khác nhau. Ngoài những đóa hoa tươi được sấy khô, nơi này còn có các tác phẩm nghệ thuật được làm từ hoa khô như tranh phong cảnh, mô hình nhà hoa, vòng hoa... Điểm tìm hiểu tiếp theo của đoàn là XQ Sử Quán Đà Lạt, nơi lưu giữ một nét văn hóa nghệ thuật về ngành nghề lâu đời của dân tộc Việt Nam - nghề thêu. Khi đến đây, các thành viên trong đoàn không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh thêu mà quan trọng hơn là cảm nhận cái hồn thơ, tình yêu quê hương đất nước, hơi thở cuộc sống trong từng đường kim mũi chỉ của các nghệ nhân nghề thêu.
Thông qua chuyến đi nghiên cứu thực tế này, đoàn chúng tôi đã hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử vẻ vang, hào hùng của vùng đất Tây Nguyên; những tập tục, lễ hội dân gian và đời sống sinh hoạt đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên; tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kết thúc một chuyến đi với 7 ngày được sống, trải nghiệm và tận hưởng cái không khí, cái nắng, cái gió của Tây Nguyên, chúng tôi cảm nhận rõ ràng hơn về mảnh đất này, mảnh đất và con người mang lại nhiều, thật nhiều xúc cảm và những kỷ niệm cũng như ấn tượng khó phai. Tây Nguyên trong suy nghĩ của chúng tôi không chỉ có nắng, có gió mà còn cả có cái tình nồng nàn và mộc mạc./.