Một trong những bài học lớn trong Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đó là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chúng có ý nghĩa to lớn đối với vận mệnh dân tộc.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã vừa phải kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, vừa phải không ngừng đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để vừa nâng cao đời sống và nhận thức cũng như xây dựng lòng tin trong nhân dân. Bởi vì lịch sử chứng minh, chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa là con đường đúng đắn phù hợp với quy luật và xu thế phát triển của thời đại. Chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm dân tộc độc lập thật sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là kết quả của cả một quá trình trăn trở, tìm tòi, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân ta trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong gần một thế kỷ qua.
Việc chúng ta lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa không phải là do ý muốn chủ quan của Đảng mà đây là tổng hợp điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đặt nền móng cho con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi thử thách, gian khổ, tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 rồi đến Điện Biên Phủ lịch sử 1954 chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân 1975. Hòa bình lặp lại, cả nước bắt tay vào kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta lại một lần nữa đứng trước thử thách, tiếp tục dẫn dắt đất nước vượt qua khủng hoảng lèo lái con thuyền đưa đất nước Việt Nam vững vàng cho đến ngày nay được đánh dấu từ Đại hội VI (1986). Có thể khẳng định rằng, các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đứng trước nguy cơ tan rã. Trong nước khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, Đảng ta đã dũng cảm thừa nhận sai lầm khuyết điểm, khởi xướng công cuộc đổi mới, tạo một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ công cuộc đổi mới gần 30 năm qua, đất nước ta đã đạt được những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”, làm thay đổi căn bản bộ mặt đất nước, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã đem lại nhiều thành quả cũng như cơ hội cho công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; trình độ dân trí đạt được những bước tiến ngoạn mục; an ninh quốc phòng được giữ vững và củng cố; vấn đề an sinh xã hội với mọi tầng lớp nhân dân từ người già, trẻ nhỏ, người tàn tật… được quan tâm, chia sẻ giúp đỡ kịp thời; chính sách đối với người có công được ghi nhận. Bên cạnh đó, trong những năm qua Việt Nam có nhiều nỗ lực đạt được những thành tựu được quốc tế ghi nhận về công tác xóa đói giảm nghèo…qua đó nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, và Nhà nước tạo thêm sức mạnh và động lực để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội gắn với độc lập dân tộc.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong gần 30 năm đổi mới thì đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” kích động gây rối, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ, mất đoàn kết của khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, các thế lực cơ hội chính trị và một số người muốn phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đại diện cho con đường xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường không có tương lai”; “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Đảng” hoặc “chủ nghĩa nào chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu nước mạnh”... Quan điểm đó là sai lầm, không phù hợp với thực tế lịch sử, đất nước Việt Nam cả trong quá khứ lẫn hiện tại và tương lai.
Suốt 80 năm qua, từ khi Đảng ra đời đến nay, nhất là của gần 30 năm đổi mới, dù trong hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi hay khó khăn gian khổ và đầy thử thách, Đảng ta vẫn không xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vẫn là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta./.