Tin mới nhất

Kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mà đỉnh cao là Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 với trận quyết chiến chiến lược cuối cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh Cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo.

Với thắng lợi này, lần đầu tiên sau 117 năm, trên đất nước ta không còn bóng một tên xâm lược. Chiến thắng này còn là biểu tượng cao đẹp của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của tinh thần chiến đấu bền bỉ, kiên cường vì chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”[1]. Đế quốc Mỹ với những âm mưu vô cùng thâm độc, hiểm ác kết hợp với những phương tiện chiến tranh tiên tiến nhất, hiện đại nhất nhằm đè bẹp phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Nhưng với một quyết tâm sắt đá và khí thế cách mạng: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất không chịu làm nô lệ”[2] cả dân tộc ta đã phải trải qua những thử thách, gian truân, chịu những hi sinh, tổn thất lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc để đi đến toàn thắng. Ngày nay ý chí quyết thắng đó càng thôi thúc chúng ta không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước ngày càng phát triển. Một trong những nguyên nhân làm nên những thắng lợi ấy cả thời chiến và thời bình là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

 Trong lịch sử dân tộc ta, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được phát huy cao độ ở cả 2 miền Nam - Bắc. Ở miền Nam, khắp nơi chúng ta đều thấy những tấm gương chói lọi sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, từ trong các lực lượng vũ trang đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo, cùng đồng cam, cộng khổ, chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn, chủ động và sáng tạo tìm ra cách đánh hiệu quả nhất, lập nên vô vàn chiến công hiển hách, làm kẻ thù phải kinh ngạc, khiếp sợ. Hình ảnh Mẹ Suốt đã ngoài sáu mươi vẫn bất chấp nguy hiểm, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của giặc Mỹ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm gương tiêu biểu của người Phụ nữ Việt Nam anh hùng.

“Gian chi gan rứa mẹ nờ?

Mẹ rằng cứu nước đợi chờ chi ai

Chẳng bằng con gái con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”[3]

Hay hình ảnh người phụ nữ Nguyễn Thị Kim Lai được nhà thơ Tố Hữu phác họa chân thực qua bài thơ Tấm ảnh:

“O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

Ra thế, to gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu”[4]

Những hình ảnh đó phần nào giải thích được lý do tại dân tộc Việt Nam nhỏ bé lại có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược: đó chính là sức mạnh của lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước nồng nàn, là sự thể hiện đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đồng bào và chiến sĩ miền Bắc đã dồn hết tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, chi viện đắc lực cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam chiến đấu và chiến thắng. Những phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa như “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày - tay súng”, “Tay búa - tay súng”,… đã được thể hiện hết sức phong phú, sinh động trong mỗi hành động, mỗi việc làm cụ thể, thiết thực vì sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lịch sử bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bản anh hùng ca bất hủ, là thắng lợi của ý chí kiên cường, trí tuệ thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại chặng đường chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[5].

Phát huy những thắng lợi trên, trong quá trình đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID - 19 đất nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương 2,91%. Trong lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đông đảo các tầng lớp Nhân dân ta sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tự tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; theo đó xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào thi đua yêu nước ở nhiều ngành, nhiều đơn vị, địa phương,... tạo ra động lực tinh thần to lớn, vượt qua nhiều khó khăn. Đó là những biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[6]. Đó là khát vọng đất nước phát triển vượt bậc, phồn vinh, hạnh phúc đến với từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng; để dân tộc Việt Nam sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Để biến khát vọng ấy trở thành hiện thực đó là cả một quá trình, là tinh thần đoàn kết, đồng lòng; là ý chí dũng cảm, sáng tạo; là sự nhạy bén nắm bắt và tạo dựng thời cơ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại trong bối cảnh hiện nay.

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc đã được mở ra - kỷ nguyên đất nước được độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 46 năm đã trôi qua kể từ thắng lợi vẻ vang đó, Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu mãi mãi cổ vũ các thế hệ người Việt Nam quyết tâm gìn giữ nền độc lập thống nhất - thành quả mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành được, chủ nghĩa ấy vẫn đang có ý nghĩa sâu sắc động viên toàn thể Nhân dân Việt Nam hôm nay ra sức phấn đấu, nêu cao tinh thần yêu n­ước, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lao động, học tập và công tác có chất lượng, hiệu quả và khoa học để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và vững bước trên con đường xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.264.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534.

[3], 4. Tố Hữu, Ra trận, NXB Văn học, 1972.

 

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, t.37, tr.471.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.336.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số