Trong khoa học quân sự, chiến hào - đường hào là phương tiện dùng để phòng hộ “vật đứng yên”, chưa bao giờ được xem là vũ khí tấn công, trong trận địa thông thường thì binh lính đào chiến hào xong mới vào trận chiến đấu mà thường phòng ngự là chính. Nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì lại khác, bộ đội ta rất sáng tạo đã biến chiến hào thành “vật chuyển động”, vũ khí di chuyển để tiến công. Trước khi tấn công, bộ đội ta cũng đào công sự nhưng những công sự đó cũng biến thành những chiến hào, chiến hào cứ dài dần theo bước tiến tấn công của bộ đội ta để chống lại các điểm phòng ngự kiên cố của thực dân Pháp, bộ đội đánh đến đâu chiến hào theo đến đó, các đường giao thông hào cứ dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần quân Pháp mà tiêu hao sinh lực của chúng. Quân Pháp phát hiện tìm mọi cách phản công, đẩy lùi quân ta ra để lấp chiến hào, bộ đội ta đánh trả quyết liệt, khi địch rút ra quân ta tiếp tục đào lại chiến hào để tiến công. Theo các tài liệu nghiên cứu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã đào hai loại chiến hào: một là loại giao thông hào trục, dùng cho việc cơ động bộ binh, cơ động pháo binh, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng, vây quanh trận địa ở phân khu trung tâm của địch; hai là loại giao thông hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang giao thông hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt, dọc giao thông hào bộ binh, có đầy đủ hố phòng pháo sát thương, hầm trú ẩn, hào chiến đấu và ụ súng để đối phó với những cuộc phản công của địch. Bộ đội ta đã đào các giao thông hào có độ sâu 1,7m (lút đầu người), đáy hào trục rộng 1,2m, đáy hào bộ binh rộng 0,6 mét. Về chiều dài, lúc đầu được ước tính trên bản đồ khoảng 100km, nhưng trong suốt quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã phải đào lên gấp đôi, đến hơn 200km trong điều kiện vô cùng gian khổ, hiểm nguy, liên tục khoảng từ 14 đến 18 giờ đồng hồ mỗi ngày với những công việc liên tục như chuẩn bị, cưa gỗ, chặt lá ngụy trang. Thời tiết thì không thuận lợi, mưa dầm, gió bấc, công sự lầy lội bùn nước… Bộ đội đào chiến hào hai bàn tay phồng rát, mọng nước rồi dần dần biến thành chai sần. Lưỡi xẻng ngày đầu mới được phát sáng loáng, tròn trĩnh, đến ngày đào xong chiến hào tiếp cận địch, lưỡi xẻng mòn hết, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong như một vầng trăng khuyết.
Nói đến những lưỡi xẻng, lưỡi cuốc để cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ phải nhắc đến công lao của biết bao người thợ làng rèn Nho Lâm (Diễn Châu) và Thượng Rừng (Nghi Lộc) - Nghệ An nổi lửa rèn xẻng, rèn cuốc cung cấp cho mặt trận. Chỉ trong một tháng, hơn 300 lò rèn làng Nho Lâm và hơn 100 lò rèn làng Thượng Rừng liên tục nổi lửa rèn 10.000 lưỡi xẻng, 5.000 lưỡi cuốc chim cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Các lưỡi xẻng, lưỡi cuốc được ngụy trang kỹ lưỡng bằng bẹ chuối và được dân công hỏa tuyến vận chuyển bằng những chiếc xe đạp thồ ra mặt trận. Phong trào “Mùa Đông binh sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân kháng chiến”, “Áo ấm bộ đội” ở Nghệ An là nền tảng để động viên gia đình khá giả, thương gia ủng hộ 5.000 xe đạp loại tốt. Những chiếc xe đắt tiền được gá lắp thêm tay lái bằng thân tre già, gia công thêm vành xe bằng nan hoa gỗ, lắp thêm đền gầm để tránh máy bay khi hành quân đêm. Cho thấy sức mạnh kỳ diệu của toàn dân ta quyết tâm thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ.
Việc đào chiến hào được bộ đội ta tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu thì ngụy trang đến đó và tiến hành trên khắp mặt trận để phân tán sự chống phá, kháng cự của kẻ thù, chúng dùng pháo binh và không quân đánh phá, đưa bộ binh phá hoại và gài những bãi mìn nhưng vẫn không ngăn được những chiến hào luôn vươn đến, như những chiếc thòng lọng dần dần siết chặt cổ quân địch, buộc chúng phải hạ vũ khí đầu hàng hoặc bị tiêu diệt.
Những đường chiến hào đã giúp chúng ta hạn chế được thương vong của pháo binh và không quân của địch, bộ đội có thể tiến sát vào gần quân địch, làm bàn đạp vững chắc để tấn công. Những đường chiến hào cắt sân bay, vào đến tận chân lô cốt của địch, thu hẹp dần vùng kiểm soát của quân Pháp đến mức không thể thu hẹp được hơn nữa. Và ngoài ra, đường chiến hào là nơi có những vị trí thuận lợi cho bộ đội bắn tỉa của ta tiêu diệt sinh lực địch, không cho chúng quan sát, lấy nước hay lương thực tiếp tế. Với việc đào hào và vây lấn dần dần vào trung tâm đã làm cho việc tiếp tế, vận chuyển thương binh của quân Pháp hết sức khó khăn, làm cho quân địch đói khát, bệnh tật, ý chí chiến đấu của quân địch mất hết và chỉ còn con đường hoặc là đầu hàng quân ta hay là chết. Và mặc dù biết quân ta sử dụng chiến hào để tấn công, bao vây, chia cắt nhưng quân Pháp không có cách gì để đối phó lại, phải công nhận sự khéo léo, mưu trí của quân ta khi đưa nghệ thuật đào chiến hào để tấn công.
Dựa trên hệ thống trận địa chằng chịt, dọc ngang những chiến hào, giao thông hào, quân đội ta đã vận dụng rất thành công một chiến thuật mới là bao vây và đánh lấn. Đã đưa đến thắng lợi vào chiều ngày 07/05/1954, gây chấn động địa cầu. Bộ đội ta vượt qua biết bao khó khăn, dưới mưa bom bão đạn để xây dựng nên những chiến hào ngang dọc bao vây tiêu diệt địch. Với sức mạnh của toàn dân, của toàn quân từ hậu phương cho đến tiền tuyến và khát vọng được hòa bình, độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân đã tạo nên sức mạnh kỳ diệu cho toàn quân và dân ta chiến đấu đánh thắng giặc Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử ./.