Về vấn đề lý luận phải liên hệ với thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
“Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin… lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Lý luận không phải cái gì đứng im mà nó luôn luôn cần đến thực tiễn để được thực tiễn bổ sung, hoàn thiện bằng những kết luận mới trong những điều kiện và hoàn cảnh mới. Mặt khác, lý luận là kết quả của tư duy trừu tượng, được khái quát hóa thành những nguyên lý phổ biến, những quy luật. Người nói: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”[2].
Giáo dục lý luận chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là giáo dục chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn cho họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống. Do đó gắn lý luận với thực tiễn trong giáo dục LLCT là một nguyên tắc cơ bản. Trên cơ sở đó, Người yêu cầu người dạy và người học phải tuân thủ theo những cách thức, phương pháp nhất định trong quá trình giảng dạy và học tập LLCT.
Đối với giảng viên, Người căn dặn: “Các chú dạy cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho họ hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không”[3]; “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta, để giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế…, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình”[4].
Như vậy, đối với trường Đảng (nay là Trường Chính trị) và đội ngũ giảng viên, với mục đích cuối cùng là để học viên phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng. Vì thế, trong quá trình giảng dạy, ngoài trang bị LLCT, người giảng viên phải gắn với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận. Vấn đề quan trọng hơn là giảng viên phải giúp cho học viên biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Đối với người học, Người dạy: “Học lý luận không phải để nói mép…Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác nào đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi chuyện trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[5].
Quán triệt thực hiện tư tưởng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng LLCT, theo suy nghĩ của bản thân tôi, cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, phải nắm vững các nội dung về lý luận trong bài giảng, để qua đó có sự lựa chọn đúng. Không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài đều cần có liên hệ thực tế, mà chỉ ở những vấn đề nào quan trọng, cần thiết nhấn mạnh, hoặc khó hiểu hay muốn tăng thêm tính thuyết phục. Đồng thời biết lựa chọn loại kiến thức thực tiễn nào và ở mức độ nào thì phù hợp.
Thứ hai, giảng viên phải thường xuyên bám sát thực tiễn, kết hợp các phương thức khác nhau để tiếp cận với thực tiễn: đi thực tế ở cơ sở (xã, phường, thị trấn), doanh nghiệp; gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, hội viên các tổ chức đoàn thể; thăm các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình tiên tiến…Hoặc khai thác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để có vốn kiến thức thực tiễn phong phú. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các nguồn tài liệu chính thống, nhất là các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng các cấp… đây là dạng thông tin có độ tin cậy cao.
Thứ ba, nắm chắc đối tượng học viên.
Trên thực tế, giảng các lớp ở thành phố khác với các lớp ở vùng nông thôn; cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại lớp có đa số học viên là thanh niên thuộc thế hệ trẻ không thể giống với lớp đa số học viên đã lớn tuổi. Do vậy, nắm bắt chắc đối tượng sẽ giúp cho việc lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp hơn.
Thứ tư, phải đảm bảo tính khoa học khi đưa kiến thức thực tiễn vào bài giảng. Đó là: kiến thức thực tiễn đưa vào bài giảng phải đảm bảo yêu cầu: có độ chính xác cao, có tính điển hình, tính thời sự, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp với nội dung lý luận đang cần phân tích, chứng minh.
Tóm lại, qua một số ý kiến trao đổi trên cho thấy trong thực tiễn giảng dạy các bộ môn khoa học lý luận chính trị hiện nay, việc đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn đang được đặt ra như một nguyên tắc quan trọng mang tính tất yếu khách quan, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Đồng thời, việc nghiên cứu, phát hiện các giải pháp có tính khả thi để thực hiện nguyên tắc này không chỉ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, của các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm chung của toàn thể giảng viên và cán bộ giảng dạy lý luận chính trị./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hn 1995, Tập 8, tr496
[2] Sđd, Tập 5, tr234
[3] Sđd, Tập 2, tr259
[4] Sđd, Tập 8, tr492
[5] Sđd, Tập 6, tr47