Tin mới nhất

Lan tỏa tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945 để xây dựng phát triển quê hương Bình Thuận hôm nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là một dấu mốc lịch sử vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, quyết tâm và lòng yêu nước cháy bỏng. Đối với Bình Thuận - một tỉnh ven biển giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa, việc lan tỏa tinh thần cách mạng Tháng Tám không chỉ là việc ghi nhớ quá khứ, mà còn là kim chỉ nam, là nguồn động lực mạnh mẽ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam bị thống trị bởi thực dân Pháp, nhân dân sống trong cảnh lầm than, đói khổ. Năm 1945, phong trào cách mạng nước ta dâng cao, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập cho dân tộc. 

Đến ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã quyết định phát động một cao trào cách mạng để làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6/1945, khu giải phóng Việt Bắc ra đời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra chỉ trong vòng 15 ngày đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đầu tháng 6/1945, Bình Thuận đã thành lập Ban vận động Việt Minh lâm thời. Chỉ trong 2 ngày (24 - 25/8/1945), dưới sự chỉ đạo của Ban vận động Việt Minh lâm thời, nhân dân Bình Thuận đã chiến đấu giành được chính quyền cấp tỉnh về tay nhân dân. Gần 1 tháng sau ngày khởi nghĩa, hệ thống chính quyền toàn tỉnh được thành lập và hoạt động. Những ngày trọng đại đó đã được lịch sử tỉnh nhà ghi lại: “… Tối ngày 23/8/1945, tại trụ sở bí mật ở Lò Bún (phường Đức Nghĩa), Ban Việt Minh tỉnh họp (có Việt Minh thị xã Phan Thiết tham gia) đã đánh giá tình hình, bàn việc giành chính quyền trong ngày hôm sau (tức ngày 24/8/1945) và phân công người đi tiếp quản các công sở. Sáng ngày 24/8/1945, tại dinh tỉnh trưởng, đại diện của Việt Minh là đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương gặp Huỳnh Dư tiến hành nhận bàn giao và tiếp quản các công sở, tiếp nhận kho bạc, bưu điện, nhà máy đèn… và giải quyết nhà lao. Cùng ngày 24/8/1945, Phan Thiết và huyện Hàm Thuận cũng giành được chính quyền. Như vậy, đến ngày 24/8/1945, chính quyền tỉnh Bình Thuận và huyện Hàm Thuận đã về tay nhân dân. Cùng với việc giành chính quyền cấp tỉnh, ngày 24/8/1945, Ủy ban Việt Minh cũng đã tổ chức giành chính quyền ở các huyện phía Bắc tỉnh như Hòa Đa, Tuy Phong, Phan Lý. Sau ngày khởi nghĩa, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận được thành lập do đồng chí Nguyễn Nhơn làm Chủ tịch, Nguyễn Tương làm Phó Chủ tịch[1].

Trải qua 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, giành độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng đã và đang một lòng xây dựng đất nước ta phát triển về mọi mặt, sánh vai với bạn bè năm châu. Minh chứng cho điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2].

Trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới và phát triển, tỉnh Bình Thuận đã có những bước phát triển đáng kể, dựa trên nền tảng những thành tựu của Cách mạng Tháng Tám. Những thành tựu này không chỉ được kế thừa mà còn được phát huy một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, kinh tế năm 2023 đã đạt được những thành tựu quan trọng, cụ thể như: Hoạt động du lịch thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, toàn tỉnh đón hơn 8,35 triệu lượt du khách, tăng 46%. Doanh thu du lịch đạt 22.309,1 tỷ đồng, tăng 63,07%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 40.610,9 tỷ đồng, tăng 3,8. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% (kế hoạch từ 7 - 7,2%). Đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và 04/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng, tăng 5,1%[3].

Nhằm triển khai cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thành lập các đề án cụ thể để thực hiện có hiệu quả. Theo Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 27/12/2023 của chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao; từ đó “Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người GRDP cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm Năng lượng Xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường[4].

Như vậy, lan tỏa tinh thần cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ là việc tôn vinh quá khứ mà còn là hành động thiết thực để xây dựng tương lai. Với lòng quyết tâm, sự đoàn kết và tinh thần đổi mới, Bình Thuận chắc chắn sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống cách mạng và niềm tự hào dân tộc. Từ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, Bình Thuận luôn vươn lên, xây dựng một địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Những bài học từ lịch sử đã và đang trở thành nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của Bình Thuận trong tương lai./.

 


[1] Tỉnh Bình Thuận (2006): Bình Thuận 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 30-33.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.

[3] Tỉnh ủy Bình Thuận (2024): Báo cáo số 483-BC/TU, ngày 30/01/2024 về tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, tr 24.

[4] Chính phủ (2023): Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 27/12/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tr 5.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số