Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật

Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình kinh tế - xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì các mối quan hệ chính trị, kinh tế - xã hội, trật tự pháp luật, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trong công cuộc bảo vệ và phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Nước ta có biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia dài khoảng 4.510 km, bờ biển dài 3.260 km. Dọc biên giới trên đất liền có hàng chục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và rất nhiều cửa khẩu địa phương (cửa khẩu phụ), ven biển, các đảo và quần đảo có các cảng biển, cửa sông, cửa lạch cho tàu thuyền ra vào. Trong tình hình nền kinh tế mở cửa, giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư ngày càng được mở rộng và phát triển, cũng như tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ ngày càng gia tăng trên khắp các tuyến biên giới, gây không ít khó khăn cho các lực lượng chuyên trách, các cấp, các ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới đất liền, trên biển đảo và tại các cửa khẩu đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật nào hoàn chỉnh, thống nhất, có hiệu lực pháp lý của một đạo luật. Vì vậy, để quy định về biên giới quốc gia; chế độ pháp lý về biên giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới thì Luật Biên giới quốc gia đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

Luật Biên giới quốc gia được xây dựng “Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng”,  gồm 6 chương 41 điều được quy định cụ thể (chương I: những quy định chung; chương II: chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới; chương III: xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; chương IV: quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; chương V: khen thưởng và xử lý vi phạm và chương VI; điều khoản thi hành).

Và tại Chương IV: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia (từ Điều 35 đến Điều 37) đã quy định nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia (Điều 35) bao gồm:

Một là, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách về biên giới quốc gia;

Hai là, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về biên giới quốc gia, chính sách, chế độ về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia;

Ba là, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về biên giới quốc gia;

Bốn là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia;

Năm là, quyết định xây dựng công trình biên giới, công trình kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới;

Sáu là, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia;

Bảy là, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia;

Tám là, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia;

Chín là, hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Điều 36 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.

Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có biên giới quốc gia thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của Chính phủ (Điều 37)./.


Các tin khác