Tin mới nhất

Bình Thuận với nỗ lực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự đồng lòng, nỗ lực các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong tỉnh, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Từ 2019 đến nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế cả nước tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như công tác triển khai thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Song với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của Nhân dân, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi rõ là:

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đẩy mạnh, hoạt động xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đổi mới với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả được phát triển và nhân rộng, qua đó, trong 5 năm qua toàn tỉnh đã tổ chức 30.775 lượt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 1.172.992 lượt cán bộ, hội viên, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân; tổ chức 2.479 lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào cho 101.237 lượt đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ dân phố, dân phòng và Nhân dân. Cấp phát 1.009.353 tờ rơi, 39.047 tài liệu, cẩm nang, ... từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn, nhất là xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vai trò hạt nhân của bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, khu phố, người có uy tín, chức sắc trong tôn giáo, dân tộc được phát huy; dân chủ ở cơ sở ngày càng được mở rộng, thông qua việc Nhân dân tham gia, quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ngày càng nhiều, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân với các cấp chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, qua đó, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế và kéo giảm, trong thời gian qua đã phát hiện, làm rõ 3.106/3.541 vụ phạm pháp hình sự, điều tra làm rõ 334/359 vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều vụ việc được phát hiện và giải quyết kịp thời thông qua việc phát động Nhân dân đấu tranh tố giác tội phạm ngay tại cơ sở.

Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị được đẩy mạnh, qua đó, đã hoàn thành việc bố trí công an xã chính quy tại 93/93 xã, cùng với đó đã quan tâm bố trí kinh phí, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho lực lượng Công an xã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, nhiều mô hình phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, Công an - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp tổ chức cho 65.121 hộ gia đình ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền 142,38 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.079 căn nhà cho hộ nghèo với kinh phí 38,64 tỷ đồng; hỗ trợ thăm khám, chữa bệnh cho 4.053 người; hỗ trợ 11.831 suất học bổng với kinh phí 43,6 tỷ đồng... Lực lượng chức năng đã gọi hỏi, răn đe, giáo dục 3.659 đối tượng hình sự, ma túy, vi phạm pháp luật; vận động cá biệt 124 đối tượng có tiền án, tiền sự chấp hành các quy định về pháp luật; lập hồ sơ 1.808 trường hợp đưa vào quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn... Qua việc phối hợp đã lồng ghép, gắn kết Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác thi đua, khen thưởng, động viên gương điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được quan tâm, thực hiện kịp thời và thường xuyên (Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen cho 01 tập thể, 01 cá nhân; Bộ Công an tặng bằng khen cho 05 tập thể, 12 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân. Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 50 tập thể, 151 cá nhân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tặng giấy khen cho 60 tập thể, 121 cá nhân).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới của tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đáng quan tâm và cần được khắc phục: Công tác tuyên truyền, vận động tuy có đổi mới nhưng có lúc, có nơi còn nặng tính hình thức. Chất lượng của phong trào tại một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh một số nơi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Việc tổng kết, nhân rộng một số mô hình chưa cụ thể, hiệu quả chưa nhiều. Vẫn còn địa phương, cơ quan, đơn vị xếp loại yếu trong xây dựng phong trào. Việc đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, chế độ chính sách cho các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, để giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi toàn thể Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Bình Thuận cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp...; đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển phong trào trên không gian mạng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia của Nhân dân; nâng cao chất lượng xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chuyên đề công tác xây dựng Phong trào; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến về phong trào.

Tiếp tục thực hiện việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó, chú trọng củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng Công an xã; thực hiện tốt việc thành lập và tổ chức hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện để phục vụ hoạt động.

Với tinh thần giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, hy vọng trong thời gian tới, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của Nhân dân, việc thực hiện các nhiệm vụ đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhất định sẽ đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tỉnh nhà./.

Sĩ Hải

                                                                                      Khoa Xây dựng Đảng

 


Tài liệu tham khảo:

Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số