Tin mới nhất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương sáng về trọng danh dự, liêm sỉ để cán bộ đảng viên học tập và làm theo

Những ngày qua, từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng chí, đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đã dành những tình cảm đặc biệt sâu sắc tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cùng với những ngôn từ đẹp đẽ ngợi ca Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo xuất sắc, một trí tuệ và tài năng lớn, phong cách sống và làm việc mẫu mực, với tấm lòng giàu tình nhân ái; một trái tim nhân hậu đầy nhiệt huyết đã ngừng đập. Người mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhưng để lại tấm gương ngời sáng cho mọi người, trước hết là cán bộ đảng viên mãi noi theo.

Phải biết coi trọng danh dự, liêm sĩ

Danh dự mới là thiêng liêng cao quý nhất. Đây là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở, nhất là với cán bộ, đảng viên. Và chính Tổng Bí thư thật sự xứng đáng và luôn gìn giữ điều thiêng liêng cao quý nhất ấy bằng việc tận hiến đến hơi thở cuối cùng phục vụ lợi ích cho Đảng, cho Dân tộc và Nhân dân. Nay người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “về với Bác”, nhưng di sản để lại là tấm gương về sự mẫu mực cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kiên định con đường đổi mới vì một đất nước Việt Nam XHCN hùng cường, nhân dân hạnh phúc. Danh dự, điều mà Tổng Bí thư luôn mong muốn, trước hết đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải “khắc cốt, ghi tâm” là luôn giữ mình được trong sạch, không tham lam; dám đấu tranh với cái xấu; những việc có lợi cho dân thì hết sức làm, những việc có hại cho dân thì hết sức tránh; coi trọng chữ tín, không bị sa ngã trước những cám dỗ của lợi ích vật chất tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình làm những việc phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Danh dự có tác dụng thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngăn ngừa điều xấu, sai trái. Đây là điều cần thiết nâng tầm giá trị của bản thân, phẩm giá cao quý của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Trong Bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (30/6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ và nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Trọng liêm sỉ là thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, đó là sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không hám danh lợi, địa vị, không ham tiền tài, danh vọng, không toan tính lợi ích nhỏ nhen, ích kỷ. Người trọng liêm sỉ thì luôn giữ cho nhân cách, thanh danh mình được trong sạch, không bị “vấy bẩn” bởi lòng tham. Những năm qua, không ít cán bộ đảng viên, trong đó kể cả một số người giữ chức vụ cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước đã không giữ được liêm sỉ, bị suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều quy định đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật Nhà nước, tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây dư luận xấu, đã bị xử lý nghiêm minh. Qua đó để nhắc nhở cán bộ đảng viên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được danh dự và liêm sỉ.

Luôn tự soi, tự sửa

Mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi”, “tự sửa” lại mình. “Tự soi” là tự mình nhìn nhận, đánh giá, nhận xét về chính bản thân nhằm chủ động phát hiện sai phạm, yếu kém, hạn chế của mình, từ đó tìm ra nguyên nhân của những sai phạm, yếu kém, hạn chế đó. “Tự sửa” là tự chủ động tìm các giải pháp khắc phục những nguyên nhân làm nảy sinh những sai phạm, yếu kém, hạn chế của bản thân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải luôn gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, tự giác làm trước; tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa. Luôn tự soi, tự sửa nhằm khắc chế lòng tham để phòng ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng một nền văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị và trong toàn dân.

Một nhân cách lớn luôn coi trọng nhân phẩm, danh dự, liêm sỉ, là người mẫu mực “nói đi đôi với làm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn phát huy gương mẫu của người đứng đầu. Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Thu nhập của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhận những gì theo đúng quy định, gia đình không có người phục vụ riêng, người vợ của Tổng Bí thư là cán bộ ngành Công an, đã nghỉ hưu tự lo mọi việc, xe công vụ chỉ dùng chiếc ô tô đời cũ. Trước khi chuyển đến nhà công vụ, gia đình Tổng Bí thư từng sinh sống trong căn phòng 25m2 tại nhà tập thể ở phố Nguyễn Thượng Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dù bận nhiều công việc, Tổng Bí thư vẫn sắp xếp thời gian thăm thầy giáo cũ, và về thăm quê ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gặp gỡ bà con lối xóm; khi ở nơi cư trú, luôn gần gũi với các gia đình láng giềng.

Những gì Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã làm đúng như điều Tổng Bí thư đã nói: “Cái quý nhất trên đời là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân"./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số