Thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những vấn đề đặt ra

Việc phát triển lý luận “hàng hoá sức lao động” của Karl Marx là một nội dung quan trọng trong điều kiện kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước, phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay. Thị trường lao động (TTLĐ) là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới kinh tế và làm thế nào để phát triển TTLĐ luôn được nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững nền kinh tế. Việc làm rõ thực trạng và những vấn đề còn tồn tại của lao động Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần thiết.

Có rất nhiều quan điểm, cách hiểu, khái niệm về TTLĐ. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản rằng thị trường lao động là nơi cung cấp, trao đổi hàng hoá đặc biệt (sức lao động) giữa một bên là người cần mua sức lao động (người sử dụng lao động) và một bên là người cần bán/ cung cấp dịch vụ lao động (người lao động). Có hai yếu tố cơ bản cấu thành thị trường lao động là cung lao động và cầu lao động.

TTLĐ được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường và có mối quan hệ hữu cơ với các loại thị trường khác, như: vốn, khoa học kĩ thuật, thông tin và tiền tệ. Phát triển thị trường lao động ở Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với phát triển tri thức và hội nhập quốc tế, đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng bằng những chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay TTLĐ vẫn đang tồn tại rất nhiều yếu kém:

- Thất nghiệp: tổng số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2020 gần 1,1 triệu người, tăng so với quý 4/2019 và quý 1/2019, (26,02 nghìn người và 26,7 nghìn người). Tỷ lệ thất nghiệp là 2,22% (tương ứng quý trước và cùng kỳ năm trước là 2,15% và 2,17%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao gấp 3,16 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,99 điểm phần trăm so với quý trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19.

Thống kê tỷ lệ thất nghiệp theo độ tuổi (%)

- Thiếu và thừa lao động ở nhiều ngành nghề (mất cân đối cung cầu lao động khá lớn): đặc biệt quan hệ cung – cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế đang diễn ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng ở một số ngành nghề như ngân hàng, quảng cáo, khuyến mãi, đối ngoại và chăm sóc khách hàng, sản xuất, IT[1]... Tình trạng dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu nhiều lao động kỹ thuật, tay nghề phổ biến. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, không chỉ là lao động qua đào tạo mà còn khó tuyển cả lao động phổ thông có tay nghề. Hiện tượng này chủ yếu là đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Vấn đề chất lượng lao động: tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể: chiều cao của thanh niên 15 tuổi thấp hơn so với chuẩn quốc tế 8,34 cm đối với nam, 9,13 cm đối với nữ, thấp hơn thanh niên Nhật Bản là 8 cm đối với nam, 4 cm đối với nữ, thấp hơn thanh niên các nước trong khu vực là Thái Lan, Singapore từ 2-6 cm ảnh hưởng đến việc sử dụng, vận hành máy móc, hiện đại, hạn chế năng suất lao động, bắt buộc người lao động phải gắng sức nhiều và làm tăng nguy cơ mất an toàn lao động.[2] Ngoài ra, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp giữa thành thị và nông thôn, so với khu vực và thế giới. Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN.

- Trình độ lao động: Tỷ trọng lao động qua đào tạo ngày càng được cải thiện nhưng mức độ cải thiện và chênh lệch lao động có tay nghề là chưa đáng kể giữa các vùng kinh tế -  xã hội trong cả nước so với tốc độ phát triển của khu vực và thế giới. Chúng ta chưa có cơ chế đào tạo và sử dụng hợp lý để tạo được động lực cho lực lượng này làm trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, cạnh tranh và hiệu quả.

- Thu nhập của người lao động: Năm 2020, bình quân đạt 6,7 triệu đồng/người, giảm 8,6% so với năm 2019. Có khoảng 32 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (gần 70% lao động bị ảnh hưởng), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (66%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%[3]. Cuộc khủng hoảng này có khả năng khiến tiền lương giảm trầm trọng trong thời gian tới, đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề đến tiền lương của phụ nữ và nhóm lao động vốn được trả lương thấp.

- Chuyển dịch cơ cấu lao động: Chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ước tính đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, song cơ cấu ngành kinh tế vẫn còn lạc hậu. Tỷ trọng toàn ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên song chưa đạt được mục tiêu kế hoạch, sản xuất công nghiệp vẫn mang tính gia công và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động tăng lên ở các ngành xây dựng và bán buôn bán lẻ cũng cho thấy xu hướng chuyển dịch lao động, cũng chưa theo hướng hiện đại, lao động vẫn chủ yếu chuyển dịch sang các ngành truyền thống, gia tăng không cao. Như vậy, có thể thấy cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam hiện chuyển dịch cơ cấu ngành chưa theo hướng hiện đại, sản xuất vẫn mang tính gia công và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và phụ thuộc vào khu vực nước ngoài. 

Bên cạnh chênh lệch về trình độ, tốc độ phát triển; phân bố nguồn lực, nguồn nhân lực giữa các vùng, những hạn chế của lao động Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó đáng chú ý chính sách lao động việc làm và đào tạo nghề chưa phù hợp. Chính sách phát triển việc làm chủ yếu chú trọng tạo việc làm theo chiều rộng mà chưa chú trọng đến chất lượng; sự mất cân đối về cơ cấu đào tạo nghề, công tác đào tạo nghề hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, đây thực sự là những thách thức lớn cần có chính sách điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN và việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức khi phải cạnh tranh với lao động nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài (vấn đề biến động giá cả, phụ thuộc các đối tác thương mại, sự kiện chính trị trong khu vực và toàn thế giới). Điều này thể hiện rõ ràng thông qua các tranh chấp lao động, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng tại Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, vai trò quan trọng của TTLĐ trong hệ thống thị trường đã được khẳng định, trong đó, sự thừa nhận sức lao động là cơ sở để quan hệ cung cầu về lao động vận hành do đó cần nghiên cứu tính quy luật chi phối qua hệ giữa người và người trong việc mua bán và sử dụng sức lao động đã và đang diễn ra trên thực tế. Làm thế nào để phát triển TTLĐ luôn là chủ đề được quan tâm trong quá trình phát triển của khoa học - công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro dịch bệnh ở quốc gia, khu vực và cấp độ toàn cầu, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và trở thành một phần sôi động của nền kinh tế chung như hiện nay vẫn luôn là một bài toán khó./.


[1] Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến toàn tại Việt Nam do VietnamWorks phát hành 2020

[2] Báo cáo Thực trạng cung cầu lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

[3] Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2020

 


Các tin khác