Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới hiện nay đang diễn biến ngày càng phức tạp, số lượng người bị nhiễm và chết vẫn tăng lên từng ngày. Ca nhiễm virus Corona chủng mới gây dịch COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc vào ngày 17/11/2019 và bùng phát tại thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Vùng dịch đã lan nhanh sang các khu vực Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông… Đến nay, 209 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có người nhiễm Covid-19. Theo thống kê Worldometers, tính đến 07 giờ ngày 09/4/2020 (giờ Việt Nam), thế giới có 1.508.224 ca nhiễm Covid-19 (tử vong 88.280 ca). Mặc dù có 329.542 ca đã được chữa khỏi bệnh, nhưng vẫn còn tới 1.090.402 ca đang phải điều trị, trong đó có 48.018 ca đang trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến “ngày chết chóc nhất” khi số người tử vong vì dịch bệnh mỗi ngày gia tăng kỷ lục. Đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 là nước Mỹ có 426.300 ca nhiễm (tử vong 14.622 ca). Tiếp đến là các nước châu Âu, lần lượt là Anh có 232.708 ca (tử vong 7.097 ca), Tây Ban Nha có 148.220 ca (tử vòng 14.792 ca), Italy có 139.422 ca (tử vong 17.669 ca), Đức có 113.067 ca (tử vong 2.256 ca), Pháp có 112.950 ca (tử vong 10.869 ca) và Thụy Sĩ có 23.280 ca (tử vong 895 ca). Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, dịch COVID-19 đang lây lan và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người tại khắp châu Âu và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy đã lên tới đỉnh dịch.
Với tình hình của thế giới như trên, Việt Nam là một đất nước nằm cạnh quốc gia có vùng dịch đầu tiên của thế giới là Trung Quốc, nên nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh là rất cao. Do đó, Việt Nam đã chuẩn bị các phương án khác nhau đề phòng dịch bệnh bùng phát để đảm bảo tính mạng cho người dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã thống nhất và phải kiên định nguyên tắc từ đầu trong phòng chống dịch COVID-19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi. Khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên ở nước ta, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt để phòng, chống dịch. Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tích cực, chủ động và linh hoạt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bằng mọi biện pháp có thể để chăm lo cho sức khoẻ của nhân dân, đảm bảo tính mạng của người dân, giảm tối đa số ca tử vong vì dịch bệnh là cam kết của ngành Y tế và đây cũng là cam kết của Chính phủ đối với nhân dân cả nước. Có thể nói, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của chúng ta đã đạt những kết quả ban đầu đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Sau buổi sáng hôm qua, tròn 1 ngày chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới COVID-19. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay Việt Nam có số ca nhiễm là 251 ca, với 126 ca đã khỏi bênh (đạt tỷ lệ 50%), còn 125 ca bệnh hiện đang được điều trị tại 17 cơ sở y tế trên cả nước, đa số có sức khoẻ ổn định. Dự kiến trong ngày 9/4/2020, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ công bố 02 bệnh nhân BN203, BN234 được điều trị khỏi. Có được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, nhưng Việt Nam cũng còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, cụ thể:
Thứ nhất, sau khi có sự xuất hiện của ca bệnh số 86 và số 87 là nhân viên của bệnh viện Bạch Mai, Thành phố Hà Nội. Tính đến nay đã có 43 ca nhiễm COVID-19 có liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, trong đó có đến 27 ca là nhân viên công ty Trường Sinh chuyên cung cấp dịch vụ cho bệnh viện. Theo lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định diễn biến dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả bước đầu cho thấy, dịch bệnh này lây chủ yếu từ người lao động của Công ty Trường Sinh (cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) chứ không phải lây lan từ nhân viên y tế, nên có thể gọi đây là ổ dịch Trường Sinh.
Thứ hai, sự xuất hiện của ca bệnh mới số 91 có liên quan ổ dịch quán bar Buddha ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 có liên quan đến địa điểm này lên 18 ca.
Thứ ba, trên thực tế ở nước ta có số người nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ là 2.537 người, có 77.292 người tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly), trong đó:Cách ly tập trung tại bệnh viện: 642 người (1%), cách ly tại nhà và nơi cư trú: 48.866 người (63%), cách ly tập trung tại cơ sở khác: 27.790 người ( 36%). Theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày, nhưng hiện nay chỉ sau 08 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội số ca nhiễm mới giảm dần và có được 01 ngày đầu tiên không có ca nhiễm mới thì xuất hiện tình trạng một số người dân bắt đầu chủ quan trong phòng, chống dịch như vẫn có tụ điểm ăn chơi nhìn bên ngoài đóng cửa nhưng bên trong vẫn hoạt động; tụ tập đông người ở nơi công cộng, nhất là vào buổi sáng ở bãi biển; đường phố đông đúc hơn, người dân đi ra khỏi nhà nhưng với lý do không thật sự cần thiết; một số người không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; vẫn còn gia đình tổ chức lễ cưới cho con có số người tham gia trên 20 người; giáo dân vẫn tập trung hành lễ, cầu nguyện lên đến hơn 100 người.
Thứ tư, theo nhận định trước đây của Việt Nam thì thời gian ủ bệnh thông thường là 14 ngày nhưng nay lại xuất hiện bệnh nhân 243 có thời gian ủ bệnh đến 23 ngày. Trong thời gian dài ngày ủ bệnh như vậy, người bệnh không biết mình nhiễm bệnh nên tiếp xúc với nhiều người khác nhau sẽ lây nhiễm cho cộng đồng và sẽ làm tăng vùng dịch trên diện rộng.
Thứ năm, có một số trường hợp (bệnh nhân số 34, bệnh nhân 178, bệnh nhân 237) thiếu hợp tác với các ngành chức năng trong điều trị, khai báo y tế không rõ ràng đã làm lây nhiễm cho cộng đồng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong những ngày qua, Viêt Nam đã tốn rất nhiều công sức tập trung phòng, chống dịch bệnh, để đánh bại đại dịch bệnh COVID-19, đem lại sự bình yên cho đất nước, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn ta phải quyết tâm đoàn kết, chung sức, chung lòng, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Theo tôi, trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng loạt các giải pháp như sau:
Một là, Đảng tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 01-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng; trường hợp phát sinh ổ dịch mới, phải tiến hành khoanh vùng, phát hiện các trường hợp liên quan ca bệnh để cách ly, khoanh vùng, dập dịch vùng đó mới là quan trọng, đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội thêm một thời gian nữa phù hợp với thực tế; thực hiện cách ly xã hội phải làm quyết liệt triệt ở tất cả các nơi, chứ không thể nơi thì làm quyết liệt, nơi thì làm chiếu lệ.
Ba là, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của các cấp. Các cấp, các ngành tăng cường triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi công việc và làm việc tại nhà nhưng vẫn đảm bảo tiến độ công việc được giao.
Bốn là, tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân cùng chung sức, chung lòng, chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Năm là, kiên quyết dùng biện pháp xử lý mạnh đối với những trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 không chịu hợp tác trong điều trị và khai báo y tế.
Sáu là, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Chỉ thị phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.