Tin mới nhất

Trách nhiệm nêu gương: Cơ sở chọn cán bộ có tâm, có tầm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự cần thiết và vai trò của việc nêu gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương được Người coi là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Tư tưởng đó của Người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay.

Nêu gương, noi gương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp mỗi người tự khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế; mà còn góp phần lan toả hành động, việc làm tốt để khích lệ, cổ vũ, động viên người khác học tập và làm theo, hướng con người tới các chuẩn mực chân - thiện - mĩ, các giá trị tốt đẹp và sự hoàn thiện bản thân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nêu gương là một vấn đề quan trọng mang tính khách quan, tất yếu, là phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ, nhân văn của Đảng ta trên cơ sở thống nhất giữa lý luận và thực tiễn đối với sự liêm chính của một đảng cầm quyền.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xem đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng và là truyền thống quý báu của Đảng. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiếp tục được coi trọng và nâng tầm là bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đây được xem cơ sở để đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên vừa có tâm, vừa có tầm để giao trọng trách trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngày 9/7/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 15.644 điểm cầu các cơ quan Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương và các điểm cầu cấp xã, với hơn 1,28 triệu đảng viên. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có 6.686 cán bộ, đảng viên tham dự tại 167 điểm cầu.

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; nhằm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, cùng với đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thì nhiệm vụ không thể thiếu chính là các biện pháp khắc phục biểu hiện lệch lạc trong thực hành nêu gương; kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Nhìn lại thực tiễn thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Khi phân tích nguyên nhân, một số chuyên gia xây dựng đảng đánh giá, nguyên nhân gốc rẽ là họ không chú ý giữ gìn, đã đánh mất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, khi phân tích “bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, các chuyên gia nhận định, tình trạng này rất đáng lo ngại, gióng lên “hồi chuông” cảnh báo đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý thức trách nhiệm công vụ.

Chính vì vậy, Quy định 144 ban hành đã nhấn mạnh nội dung “trách nhiệm” là cần thiết và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, còn là tấm gương phản chiếu để mỗi cán bộ, đảng viên nghiêm khắc “tự soi, tự sửa” lại chuẩn mực, đạo đức của bản thân và gương mẫu trong thực thi công vụ để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, nhằm phát huy vai trò tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, trong việc gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó tạo sự lan toả, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; trên cơ sở đó Tỉnh uỷ Bình Thuận  ban hành hướng dẫn và triển khai quy định 144 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong toàn tỉnh.

Với cán bộ, đảng viên tỉnh nhà, phải tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn; tham gia vào các quá trình xây dựng và góp phần quán triệt, triển khai đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương trong nhân dân; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương. Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất trong từng tổ chức đảng; quản lý chặt chẽ, nắm chắc tình hình cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Chủ động phát hiện, nhận diện, đấu tranh, xử lý, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Xây dựng và thực hiện tốt cam kết tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu gắn với  học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm của cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu. Đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm của cán bộ chủ chốt các cấp trong công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Phẩm chất chính trị, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện trong sự tôn trọng bản thân, thể hiện trong các mối quan hệ với chính mình, với người và với việc. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi người thể hiện qua trách nhiệm với công việc được giao. Mọi công việc phải được làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được với tinh thần “việc thiện thì nhỏ mấy, khó mấy cũng nên làm; việc ác thì nhỏ mấy cũng phải tránh”. Đây cũng là cơ sở để xem xét, lựa chọn cán bộ, đảng viên nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sử dung, giao trọng trách mới.

Những nội dung, yêu cầu Quy định 144 nêu ra hết sức ngắn gọn, song để thực hiện tốt và toàn diện lại cần một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu nghiêm túc, bền bỉ, nỗ lực, kiên quyết chiến đấu và chiến thắng những cám dỗ, cạm bẫy giăng bủa mọi lúc, mọi nơi; qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ ngày càng hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện, nhiều cá nhân nêu gương tốt sẽ góp phần xây dựng tập thể nêu gương, tổ chức đảng nêu gương, toàn Đảng nêu gương để xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với sự tin yêu của Nhân dân.

DỤNG VĂN DUY


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số