Vào quý II/2017, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Thuận có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển để trở thành tỉnh giàu mạnh so với các tỉnh bạn trong nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, những tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tỉnh hiện vẫn còn phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Vì thế, với vị trí và điều kiện hiện có, gần đây, lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận đã xác định phải đi lên bằng “3 chân kiềng” gồm du lịch dịch vụ, công nghiệp năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Và với mục tiêu quảng bá các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Thuận đặc biệt là nêu trên, ngày 19/04/2017, tại tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2017. Hội nghị đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng chủ yếu tập trung cho ba trụ cột ngành, lĩnh vực gồm du lịch dịch vụ, công nghiệp năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Trong năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (RGDP) đạt 7,08%. Kết quả đạt được này từ sự đóng góp trên rất nhiều ngành, lĩnh vực nhưng nổi trội nhất là ở 3 trụ cột ngành, lĩnh vực nêu trên.
Trên ngành, lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã trình Bộ Công Thương thẩm định, bổ sung 22 dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn (2011 – 2015), có xét đến năm 2020; 07 dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn (2011-2020), tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Bình Thuận có 08 dự án điện được chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng công suất 219,28 MW và với tổng vốn đăng ký đầu tư 9.425,64 tỷ đồng, gồm: 03 dự án điện mặt trời có tổng công suất 99,98 MW với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.012,2 tỷ đồng; 05 dự án điện gió có tổng công suất 119,3 MW với tổng vốn đăng ký đầu tư 5.413,44 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn có thêm 02 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương về mặt nguyên tắc có tổng công suất 250 MW với tổng vốn đăng ký đầu tư 9.465 tỷ đồng; đầu tư mở rộng nguồn điện diesel Phú Quý có công suất 5 MW với vốn đầu tư 157,58 tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận vào ngày 19/04/2017, trong số 126.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, số lượng dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo chiếm áp đảo và có vốn đầu tư dự kiến khoảng 94.150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và Hàm Tân.
Trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, tỉnh Bình Thuận cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn với quy mô 10.000 ha tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Việc hình thành vùng sản xuất tập trung thanh long an toàn tại hai huyện này nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao, khép kín với công nghệ tưới tiết kiệm nhỏ giọt, điều khiển điện tử từ xa.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận đang dành khoảng 2.000 ha đất sạch với hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh tại khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong để mời gọi các doanh nghiệp tới đầu tư. Một số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao bước đầu được hình thành và phát triển tại đây trở thành mô hình điển hình nhân rộng trong tỉnh như mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ trong trồng ổi, trồng thanh long leo giàn và trồng dưa lưới màng tại xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) của công ty Công ty TNHH Thông Thuận.
Trên lĩnh vực du lịch
Việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục được Bình Thuận cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp điều kiện địa phương. Sau Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện vấn đề này. Vì vậy, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được duy trì đều, thường xuyên. Hoạt động du lịch trong năm tiếp tục khởi sắc với các chương trình lễ tết, lễ hội,… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan được triển khai tổ chức thêm so với những năm trước như: Lướt ván buồm, Công viên tượng cát Forgotten Land, mô tô nước, lướt ván diều, mô tô địa hình, khinh khí cầu, sân khấu nhạc nước Làng Chài Phan Thiết.
Chính vì thế, trong năm 2017, lượng khách đến các điểm tham quan và nghỉ dưỡng trong dịp lễ, tết, nghỉ hè tại tỉnh Bình Thuận khá đông. Khách quốc tế đến tỉnh nhà hàng tháng có khoảng 100 - 110 nước và khu vực như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc,… Doanh thu từ du lịch đạt 10.812 tỷ đồng (đạt 100,11% kế hoạch năm, tăng 19,52% so với năm trước).
Trong thời gian tới, để tỉnh nhà có ngành, lĩnh vực công nghiệp sạch, du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu của cả nước, UBND tỉnh Bình Thuận cần quyết tâm thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển mạnh khu vực tư nhân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh để thu hút các nhà đầu tư; chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng tối đa các lợi thế để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia có hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với tiềm năng, lợi thế cùng với sự định hướng phát triển đúng đắn từ các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận , tôi tin rằng, tỉnh Bình Thuận sẽ vươn lên xứng tầm trong công nghiệp sạch, du lịch xanh và nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu của cả nước trong thời gian rất gần sắp tới./.