Tin mới nhất

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá luôn là một điểm tựa tinh thần vững chắc, với sức sống mãnh liệt, trở thành một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam nói chung và tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta nói riêng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa chiếm một vị trí vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn, bởi lẽ, văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Người chỉ rõ nội hàm của văn hoá “là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1] và luôn nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và cơ sở hạ tầng, văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới đủ điều kiện phát triển được”[2].

Nói đến văn hóa là nói đến phẩm chất, đến giá trị, đồng thời cũng là nói đến trình độ của con người. Nuôi dưỡng các phẩm chất, xây đắp các giá trị tinh thần, tư tưởng, tình cảm và nâng cao trình độ dân trí là những chức năng không thể tách rời của văn hóa. Đồng thời, chúng xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, tư tưởng và tình cảm lớn, phẩm chất tốt đẹp để giúp con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ và từ đó không ngừng hoàn thiện bản thân. Văn hóa là bám sát và thấu hiểu cuộc sống, miêu tả và khám phá con người, bảo vệ và khẳng định, góp phần trực tiếp xây dựng con người hiện tại.

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng có bốn vấn đề phải chú ý đến và coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Đồng thời, trong quan hệ của bốn thành tố trên, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quyết định của chính trị và kinh tế đối với sự phát triển của văn hóa. Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, gắn bó hữu cơ với cơ sở hạ tầng, vì thế, từ trong bản chất và tuân thủ quy luật chung, văn hóa ở trong kinh tế và chính trị; văn hóa không thể đứng ngoài, mà có nhiệm vụ góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, trở thành một động lực to lớn, chủ động tác động tích cực trở lại đối với kinh tế và chính trị.“Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[3], đây chính bản chất xã hội của văn hóa, là một quy luật khách quan của mối quan hệ biện chứng trên.

Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, vì vậy Đảng, Nhà nước và toàn dân có nhiệm vụ xây dựng “một nền văn hóa mới” bao hàm các tính chất dân tộc, hiện đại và nhân văn để tạo nên một nền văn hóa đa dạng và thống nhất, kế tục phẩm chất bền vững của văn hóa dân tộc trong quá khứ với những đặc trưng mới được xây đắp và phát triển trong thời kỳ hiện đại của dân tộc ta tạo nên tổng thể giá trị của nền văn hóa mới. Điểm nổi bật của nền văn hoá này chính là sự tôn trọng và yêu thương con người, góp phần cho sự phát triển toàn diện của con người, đặc biệt là bồi dưỡng nâng cao đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm phong phú, cao đẹp cho con người. Người khẳng định văn hóa phải “lột cho hết tinh thần dân tộc”, “phát huy cốt cách dân tộc” không chỉ ở chiều sâu của nội dung văn hóa mà còn thể hiện trong các hình thức, phương thức biểu hiện nội dung đó. Chính từ quan điểm đó mà Người luôn đòi hỏi rất cao đối với chất lượng của hoạt động văn hóa, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của con người - nhận thức, tiếp nhận, thụ hưởng văn hóa và nâng cao trình độ hiểu biết toàn diện của mình thông qua văn hóa, bằng văn hóa.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không đồng nghĩa với dân tộc hẹp hòi, đóng cửa, khép kín; nhưng cũng không bắt chước, học đòi, lai căng để đánh mất đi cái độc đáo, cái đặc trưng của dân tộc mình. Phải biết kế thừa, phát huy có chọn lọc những truyền thống văn hóa tốt đẹp phù hợp với những điều kiện lịch sử mới, kiên quyết phê phán và loại bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hủ, đủ bản lĩnh để mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tốt đẹp, tiến bộ của văn hóa nhân loại, tỉnh táo chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại. Điều đó thể hiện rõ qua công tác đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW nhằm đáp ứng yêu cầu chung của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đa dạng và phong phú của cộng đồng các dân tộc sống trên đất nước ta. Vì vậy, phát triển văn hóa Việt Nam chính là phát triển tính đa dạng, bản sắc dân tộc của các dân tộc; là sự chung sức xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng đó. Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”[4].

Theo Hồ Chí Minh, chỉ khi nào được mọi người dân, mọi tầng lớp Nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo tham gia tự nguyện, thường xuyên, chủ động vào công tác văn hóa thì lúc đó, văn hóa mới phát triển bền vững và mạnh mẽ. Đồng thời, Người yêu cầu làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào mọi lĩnh vực, mọi quan hệ của con người. Lúc đó, văn hóa mới hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình, trở thành động lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh các nhiệm vụ lớn lao trên của văn hóa. “Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”[5] - Người đã khẳng định như vậy ngay khi đất nước ta kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và miền Bắc bắt đầu bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nhắc nhở “Phong trào văn hóa có bề rộng, chưa có bề sâu, nặng về mặt giải trí mà còn nhẹ về mặt nâng cao tri thức của quần chúng[6]. Sự nhắc nhở đó cách đây đã 64 năm, nhưng chúng ta thấy rằng đó là sự phê bình trực tiếp những thiếu sót, khuyết điểm của công tác văn hóa nước ta trong thời gian gần đây. Đó là khi nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng văn hóa “chưa tương xứng". Khi vị trí của văn hóa bị hạ thấp dễ sinh ra hệ lụy như bất cập trong kinh tế - xã hội, suy giảm sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, cần nhìn nhận và đánh giá sâu sắc về tình trạng văn hóa hiện nay, đưa ra những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những yếu kém trong lĩnh vực văn hoá nói chung.

Ngoài ra, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Toàn dân tham gia sáng tạo văn hóa, toàn dân làm nghĩa vụ và đóng góp cho sự phát triển văn hóa, toàn dân tham gia xây dựng và tự quản đời sống văn hóa của mình và toàn dân được quyền thụ hưởng, tiếp nhận, lưu giữ và truyền bá văn hóa tốt đẹp, lành mạnh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó vừa là những tư tưởng có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, vừa có tác dụng chỉ đạo cụ thể trong hoạt động thực tiễn. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người”.

Tóm lại, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. “Nền văn hóa Việt Nam có được nhiều giá trị, diện mạo và sắc thái văn hóa mới, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh[7]. Đây chính là thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về sự phát triển biện chứng của văn hoá./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2011, tập 3, trang 458.

[2] Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 320.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2011, tập 7, trang 246.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2011, tập 9, trang 375

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2011, tập 11, trang 92

[6] Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị cán bộ văn hóa (Hội nghị cán bộ văn hóa toàn miền Bắc họp từ ngày 2 đến ngày 9-3-1957, tại Hà Nội).

[7] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số