Tin mới nhất

Hiệu quả bước đầu trong việc “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”

Trong những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng luôn được các cấp, các ngành, các địa phương và chính người dân rất quan tâm. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, vấn đề quản lý và bảo vệ rừng luôn được coi trọng. Với quyết tâm ổn định tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để có giải pháp xử lý mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đã ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Trong đó, với việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả phần mềm “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” bước đầu đã đem lại những kết quả khá tích cực.

Tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích tự nhiên là 781.281,89 ha; các đơn vị hành chính gồm có 01 thành phố (Phan Thiết), 01 thị xã (La Gi) và 08 huyện với tổng số 124 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó có 14 xã trọng điểm/85 xã có rừng và đất lâm nghiệp. Theo số liệu kết quả kiểm kê thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là gần ba trăm bảy mươi nghìn hecta (diện tích đất có rừng là 310.841,3 ha (gồm 286.998,8 ha rừng tự nhiên và 23.842,5 ha rừng trồng); Diện tích đất chưa có rừng là 54.847,9 ha (gồm: đất có rừng trồng chưa thành rừng 15.550,9 ha; đất trống có cây gỗ tái sinh 17.248,3 ha; đất trống không có cây gỗ tái sinh 10.827,4 ha; đất có cây nông nghiệp 9.674,9 ha và đất khác 1.546,4 ha) bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng được phân cho các tổ chức là các Ban quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp, Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đơn vị vũ trang, Ủy ban Nhân dân cấp xã và các hộ gia đình. Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 của tỉnh có 336.357,53 ha (rừng phòng hộ 135.734,82 ha, rừng đặc dụng 32.496,03 ha, rừng sản xuất 168.126,68 ha) phân bổ trên 10 đơn vị hành chính của tỉnh. Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2022, tính đến 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tổng diện tích đất có rừng (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng) là 342.004,77 ha, tỷ lệ che phủ rừng là 43,02%.

UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017; đồng thời ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương; trên cơ sở đó cụ thể hóa để ban hành các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, các Quy chế phối hợp, đặc biệt là Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 27/4/2021 của HĐND tỉnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh… qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của ngành về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy và phát triển rừng; nhằm thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bắt đầu từ tháng 02/2021, dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh” chính thức đi vào hoạt động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cho Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện đưa vào theo dõi và định kỳ tổng hợp báo cáo diễn biến rừng trong thời gian 15 ngày/01 lần; theo đó vào ngày 02 và ngày 16 hàng tháng, hệ thống phần mềm tự động giải đoán ảnh vệ tinh mới nhất để phát hiện các điểm mất rừng. Sau khi phát hiện, hệ thống tự động gửi email và tin nhắn cảnh báo mất rừng tới các cấp quản lý có liên quan. Thông tin gửi đi bao gồm: cấp hành chính, tiểu khu, khoảnh/lô, đối tượng rừng, chủ rừng, số lượng điểm và diện tích bị mất. Khi nhận tin cảnh báo, người quản lý, công chức kiểm lâm sử dụng máy tính để bàn, điện thoại di động, máy tính bảng đăng nhập vào hệ thống và xem vị trí điểm cảnh báo trên ảnh vệ tinh mới nhất để kiểm chứng tin cảnh báo và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành.

Quá trình quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh, các địa phương, đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã có những hình thức phổ biến, quán triệt phù hợp và triển khai thực hiện khá nghiêm túc trong nội bộ đơn vị mình; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục duy trì, điều hành có hiệu quả theo Quyết định thành lập Tổ quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn cấp huyện (thành phần do Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm làm Tổ trưởng, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT/Phòng Kinh tế hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường làm Tổ Phó, các thành viên là Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có rừng).

Trong quá trình sử dụng phần mềm “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh” đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Điển hình như trong năm 2022, Phần mềm đã phát hiện và gửi tin cảnh cáo 193 điểm nghi ngờ biến động hiện trạng tài nguyên rừng; tất các các điểm đều được các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm phối hợp tổ chức kiểm tra, xác minh ngoài thực địa với các nguyên nhân cụ thể sau:

- Khai thác rừng trồng: 113 điểm/222,41 ha; chủ yếu là diện tích khai thác các loài Keo, Bạch đàn của Công Ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, Sông Dinh, DNTN Hưng Long, Công Ty TNHH Vĩnh Hưng….;

- Phá rừng: 04 điểm/1,367 ha (tại các đơn vị chủ rừng: Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp huyện phú quý, Ban QLRPH Sông Lũy, Công Ty TNHH MTV LN Sông Dinh, diện tích Nằm ngoài QH 3 loại rừng do UBND xã Đa Mi quản lý); hiện nay các đơn vị chủ rừng đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm điều tra xác minh đối tượng để xử lý theo quy định;

- Cháy rừng + Phá rừng: 01 điểm/2,45 ha thuộc diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng do UBND xã Hàm Cường quản lý được Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam xác minh với 2 nguyên nhân: phá rừng 0,075 ha, cháy rừng 2,375 ha; Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND xã Hàm Cường tiến hành kiểm tra và lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

- Lấn chiếm đất rừng 04 điểm/1,715 ha (tại lâm phận Ban QLRPH Lòng Sông - Đá Bạc quản lý 0,15 ha; Công Ty TNHH MTV LN Sông Dinh 0,37 ha; Ban QLRPH Sông Lũy 0,34 ha; Ban QLRPH Cà Giây 0,855 ha); các đơn vị chủ rừng đang phối hợp với chính quyền địa phương truy tìm đối tượng, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

- Sản xuất nông nghiệp: 10 điểm/6,38 ha (chủ yếu là diện tích người dân khai thác các loài cây ăn trái, Mì để chuyển đổi cây trồng).

- Nguyên nhân khác (rụng lá, suy thoái rừng, cháy thực bì, ...): 61 điểm.

Với những kết quả tích cực như thế, việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” có những ưu điểm sau:

Một là, đây là dự án có ý nghĩa hết sức thiết thực, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay, phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách tỉnh và thực trạng tình hình quản lý, bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn của tỉnh. Quá trình xây dựng dự án có sự nghiên cứu, thử nghiệm một số mô hình và học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn; có sự tham gia phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm của các sở, ngành liên quan; quá trình triển khai thực hiện có sự kế thừa, phát huy những tiện ích từ phần mềm cảnh báo mất rừng của Trung ương và phát triển mới một số tính năng riêng của tỉnh, khắc phục được những hạn chế của các ứng dụng trước đây.

Hai là, từ khi phần mềm đưa vào vận hành, các thiếu sót, hạn chế của phần mềm cơ bản đã được khắc phục. Kết quả thực hiện phần mềm bước đầu được đánh giá là phù hợp với thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng, giám sát biến động tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; có khả năng tương thích, khả năng chịu tải và phục hồi sự cố, tính bảo mật và độ chính xác tốt.

Ba là, việc triển khai kết quả của dự án, Quy chế quản lý, vận hành phần mềm đã được quán triệt và tổ chức tập huấn sâu rộng đến toàn thể lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, công chức Kiểm lâm, nhất là đối với các đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước và chủ rừng thuộc các đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh;

Bốn là, thông qua phần mềm, nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng được phát hiện ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm tích cực như thế, trong qua trình vận hành, sử dụng phần mềm cũng còn những tồn tại như: Công tác xác minh, kiểm tra các điểm cảnh báo mất rừng ngoài hiện trường tuy chưa có trường hợp nào vi phạm Quy chế quản lý, vận hành phần mềm, nhưng qua theo dõi của các đơn vị phụ trách cho thấy việc tổ chức xác minh, kiểm tra ở một số chủ rừng còn chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân kéo dài do cần phải có đủ thành phần tham gia (các điểm cảnh báo sau khi được chủ rừng kiểm tra, sau đó báo cáo Hạt kiểm lâm cử cán bộ kỹ thuật hoặc Kiểm lâm địa bàn xác minh lại trước khi xác nhận vào phần mềm…); Số điểm cảnh báo chưa chính xác vẫn còn, điển hình cảnh báo chưa chính xác một số điểm rừng trồng cây Cao su, Cây điều rụng lá và một phần diện tích rừng tự nhiên rụng lá; Lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm địa bàn còn thiếu so với quy định, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin; Việc mua sắm, trang bị bổ sung máy tính bảng cho các đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm còn chậm do cần phải xem xét, cân đối, điều chỉnh từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành…

Trong thời gian đến, để triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” một cách có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Một là, bám sát sự lãnh chỉ đạo của các cấp, các ngành, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phần mềm và Quy chế quản lý, vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện ở các cấp, kịp thời tổng hợp những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế và quy trình vận hành, sử dụng phần mềm để đề xuất các cơ quan cấp trên, liên quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở thực hiện thống nhất và hiệu quả trên toàn tỉnh;

Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và đơn vị tư vấn tiếp tục sàng lọc để phát hiện những mặt hạn chế của phần mềm; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của các địa phương, đơn vị cơ sở về nội dung kỹ thuật (các tính năng) của phần mềm; triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương về việc xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị di động phục vụ tuần tra, quản lý, xác minh, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã được ban hành.

Ba là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hàng năm và mở rộng cho đối tượng là công chức kiểm lâm, nhân viên của chủ rừng làm nhiệm vụ cơ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra công tác xác minh, báo cáo của các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi Phần mềm. Đối với kết quả xác minh ngoài hiện trường các điểm được cảnh báo trong phần mềm ứng dụng theo đúng thời gian quy định nhằm tăng cường trách nhiệm; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm.

Năm là,thường xuyên làm tốt công tác thống kê, xác định số lượng thiết bị máy tính bảng, trang thiết bị cần bố trí để đảm bảo phù hợp với quy mô quản lý của từng đơn vị, địa bàn. Tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu ảnh hưởng đến công tác vận hành, theo dõi.

Sáu là, các đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách cần tiếp tục phối hợp cùng đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ dần hoàn thiện, tăng cường chất lượng của phần mềm. Điển hình như nâng cao giải pháp lọc mây qua Google Earth Engine để cải thiện khả năng phát hiện các điểm thay đổi trạng thái rừng ở kỳ ảnh trước đó bị mây che phủ, các điểm rừng trồng cây Cao su, Cây điều rụng lá và một số diện tích rừng tự nhiênrụng lá… giảm thiểu tin nhắn cảnh báo sai đối với kiểu rừng này.

Thiết nghĩ, việc sử dụng “Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Góp phần bảo vệ môi trường, chống ứng phó biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay, do đó các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân cần ý thức, tự giác, quan tâm đúng mức, chung tay cùng hành động nhất là đảm bảo nguồn kinh phí để duy trì dự án (cần thiết mở rộng vận động xã hội hóa trong lĩnh vực này), nhằm duy trì một màu xanh bạt ngàn ở những cánh rừng tự nhiên trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số