Vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa biển Bình Thuận

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời,  là tỉnh có một hệ thống di sản văn hóa biển đặc sắc, phong phú với những đặc trưng riêng và cộng đồng dân cư vùng biển ở Bình Thuận có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần bảo tồn, phát huy những khối lượng di sản văn hóa to lớn đó.

Di sản văn hóa (bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) được xác định là bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người. Di sản văn hóa là loại tài sản quý giá không thể tái sinh và không thể thay thế nhưng rất dễ bị biến dạng do tác động của các yếu tố ngoại cảnh  như : khí hậu, thời tiết, thiên tai, chiến tranh, sự phát triển kinh tế một cách ồ ạt, sự khai thác không có sự kiểm soát chặt chẽ, và thêm vào đó là việc bảo tồn, trùng tu thiếu chuyên nghiệp không theo đúng những chuẩn mực khoa học v.v…

Luật Di sản văn hóa năm 2013 khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Chính vì thế cộng đồng dân cư là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ở tỉnh Bình Thuận, với nguồn tài nguyên biển vô cùng quý giá mà tạo hóa ban tặng đã hình thành nên các di sản văn hóa miền biển đa dạng, phong phú trong cộng đồng dân cư.

Trước hết phải kể đến là những di sản văn hóa danh lam thắng cảnh, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm như : bãi biển Hòn Rơm - Mũi Né, đồi cát bay - Mũi Né, bãi đá Ông Địa - Hàm Tiến; bãi biển Hòn Lan - Kê Gà - Thuận Quý và ngọn hải đăng Kê Gà gần 120 tuổi ở Huyện Hàm Thuận Nam; khu bảo tồn sinh vật biển Cù Lao Câu - Huyện Tuy Phong; bãi đá chim ở Thị xã LaGi; xa hơn nữa là huyện đảo Phú Qúy với Hòn Tranh có huyền thoại về vũng Phật …

Tiếp theo phải nói đến là các di sản văn hóa là lễ hội. Ở Bình Thuận có rất nhiều lễ hội truyền thống, tuy nhiên đa phần các lễ hội mang sắc thái miền biển chiếm số lượng nhiều hơn, ví dụ như: đua thuyền trên sông Cà Ty (mồng 2 Tết hằng năm), lễ hội Nghinh Ông (Quan Thánh Đế Quân) của người Hoa, lễ hội cầu ngư ở vạn Thủy Tú (Phan Thiết)…

 Ngoài ra, các ngành nghề của cộng đồng dân cư vùng ven biển cũng là những di sản văn hóa đặc biệt gắn kết từ lâu đời, truyền qua nhiều thế hệ cũng thu hút sự tham quan, tìm hiểu của khách du lịch các vùng miền như: nghề làm nước mắm, nghề làm thuyền thúng, nghề đóng sửa ghe, thuyền, nghề làm muối… và một số hoạt động văn hóa khác gắn với miền biển như lướt ván - đua thuyền buồm hàng năm (Mũi Né), chạy việt dã vượt đồi cát Mũi Né…

Với một hệ thống di sản văn hóa biển đặc sắc, phong phú ở Bình Thuận như thế, nếu được quản lý và tổ chức khai thác tốt thì trong tương lai không xa, du lịch Bình Thuận có thể vươn lên ngang tầm với các trung tâm du lịch biển của khu vực, đáp ứng được mục tiêu phát triển của Đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt ra. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải có những biện pháp quản lý thích hợp và một trong những biện pháp đó là phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư vùng biển trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đó, bởi:

Thứ nhất, Cộng đồng dân cư là một tập hợp công dân cư trú trong cùng một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẽ những giá trị văn hoá chung. Văn hóa được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Chính vì thế cộng đồng là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thứ hai, những tính chất có sức mạnh nổi bật của cộng đồng là: tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung (sức mạnh tập thể bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh cá nhân); sự sáng tạo và duy trì các kiến thức bản địa (đây là một đặc trưng văn hoá phi vật thể, lan truyền và bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo ra sức sống của cộng đồng trong quá trình sản xuất và bảo vệ cuộc sống); lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, của quê hương gắn với tình yêu dân tộc, đó cũng chính là cội nguồn lớn nhất của sức mạnh cộng đồng.

Thứ ba, Di sản văn hóa không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì sức sống cho di sản văn hóa, các di sản ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được "sống", được tôn vinh, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa có sự tham gia của cộng đồng, dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng cũng là cách thức hiệu quả để lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cộng đồng nắm giữ.

Để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư Bình Thuận trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa biển, theo tôi, việc quản lý cần phải tăng cường thêm nhiều giải pháp, trong đó giải pháp phải chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhân dân vùng biển của chính quyền địa phương là quan trọng nhất để nâng cao sự đồng thuận một cách tự nguyện của cộng đồng. Bởi, hơn ai hết, cộng đồng dân cư là người hiểu rõ nhất về bản sắc văn hóa của họ và có quyền trước hết trong việc quyết định lựa chọn đối tượng văn hóa mà họ muốn bảo tồn. Cộng đồng cũng cần tự nhận thức được vai trò quan trọng của chính mình, đồng thời được khuyến khích trong vấn đề lưu truyền và gìn giữ các di sản văn hóa.

Ngoài ra, cũng cần phải chú trọng thêm một số giải pháp khác như: cần thường xuyên chia sẻ các kỹ năng, phát triển các chương trình hành động, khuyến khích sự trao đổi giữa các cộng đồng nắm giữ di sản để từng cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò của mình; cần có những hỗ trợ về mặt tài chính đối với những người có trách nhiệm truyền dạy những kinh nghiệm, những kỹ năng trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa biển Bình Thuận.

Tóm lại, bảo tồn di sản văn hóa là một quá trình liên tục, bản thân các di sản khi được bảo vệ cũng sẽ quay trở lại phục vụ cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch, phát triển hàng hóa, dịch vụ, mang lại nguồn lợi thiết thực về kinh tế. Ngành du lịch biển ở Bình Thuận được tỉnh ta xác định là nghành kinh tế mũi nhọn và việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa biển sẵn có ở tỉnh ta là một việc làm cấp thiết. Do đó, cần khẳng định việc huy động nguồn lực nhân dân trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát triển các di sản văn hóa là chính bởi sự quan trọng của sức mạnh cộng đồng dân cư luôn góp phần tạo nên sự hiệu quả nhất trong mọi công việc./.


Các tin khác