Dân là nguồn gốc của sức mạnh dân tộc, là lực lượng nồng cốt của Đảng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dân vận vừa là mục tiêu của cách mạng, vừa là phương pháp vận động cách mạng của Đảng.
Trong bài báo “Dân vận” năm 1949, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”[1]. Dân vận là phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc, phát huy trí tuệ của toàn dân, nghe dân nói, bàn bạc với dân, tôn trọng dân, học hỏi kinh nghiệm cùng với nhân dân xây dựng kế hoạch từng việc sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ sở đạt kết quả thiết thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những tháng năm đi tìm đường cứu nước đến khi giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng; Người luôn quan tâm, luôn coi nhân dân là gốc của cách mạng và khẳng định muốn cách mạng thành công thì Đảng phải vững mạnh, phải dựa vào nhân dân.
Do vậy, công tác dân vận và làm tốt công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức nhân dân, thông qua cán bộ, đảng viên các cấp từ Trung ương xuống địa phương ở cơ sở, như Bác đã yêu cầu: “Tất cả cán bộ, đảng viên trong mọi tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đều phải làm công tác Dân vận theo nhiệm vụ chuyên môn của mình”.
Bác Hồ thường nhấn mạnh: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Theo lời dạy của Người, Ðảng ta đã cụ thể hóa tư tưởng đó thành phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Do đó, mọi chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước trước khi ban hành đều nhớ đến lời dạy của Người, đưa ra bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của nhân dân.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác vận động quần chúng, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến đầy đủ các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của các đoàn thể thông qua các lớp học, hội nghị, sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng trong nhà trường… vận động cán bộ, công chức, viên chức phát huy vai trò bàn và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời qua đó Nhà trường thực hiện công khai để cán bộ, học viên tham gia kiểm tra và giám sát.
Thật vậy, học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy về công tác vận động sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trên cương vị công tác của mình phải thực hiện và nêu gương để công tác dân vận đạt hiệu quả cao./.
[1] “Tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1995