Trong văn kiện ấy, Người đã đề cập và dặn lại tất cả những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người vẫn quan tâm đến hết thảy mọi người như lúc sinh thời Người vẫn thường nâng niu tất cả. Trong số những vấn đề đó, Người đã viết về Phụ nữ như sau: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(1).
Những lời tâm huyết này trước lúc đi xa, phải chăng là sự đúc kết ngắn gọn những trăn trở trong suốt cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng phụ nữ - thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và cho phụ nữ. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi còn đang hoạt động ở nước Pháp, Bác đã nhìn thấy rõ nỗi khổ nhục của người phụ nữ Việt Nam và tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với phụ nữ xứ thuộc địa An Nam lúc đó: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”(2). Người đã đưa ra dẫn chứng cụ thể về những hành vi bạo ngược để minh họa cho lời tố cáo đó của mình và còn thấy rõ: Cùng với sự áp bức của thực dân Pháp thì lễ nghi phong kiến Việt Nam cũng coi phụ nữ là những “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”, “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”(3). Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”(4). Trước sự khổ nhục của phụ nữ An Nam như vậy, Người vẫn có niềm tin vào sức mạnh của họ. Người đề cao vai trò, vị trí của giới phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng; Từ đó, Người đã động viên, khích lệ, kêu gọi “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công như vậy”, “…bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại”(5). Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 03/9/1945 Bác triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã chủ trương: trong cuộc tổng tuyển cử hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử. Không chia gái, trai…hễ là công dân Việt Nam thì đều có 02 quyền đó”(6). Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã giành thắng lợi lớn. Trong số 333 đại biểu Quốc hội, có 10 đại biểu là phụ nữ.
Là Trưởng Ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới, trong đó, Điều 9 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đồng thời, Người còn chủ trương xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình, và ngày 13/01/1960, Người đã ký lệnh số 02-LCT công bố đạo luật này. Luật đã giành các điều 3,12,13,18 để nói về quyền bình đẳng vợ chồng và phải yêu thương quý trọng nhau…
Như vậy, theo Bác, để phụ nữ Việt Nam được hưởng quyền bình đẳng thật sự thì không chỉ làm cách mạng giải phóng họ, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của họ mà còn phải bồi dưỡng, giúp đỡ họ, đưa họ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo Đảng và chính quyền. Đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Cả cuộc đời Người luôn trăn trở để đem lại quyền bình đẳng thật sự đó. Thực hiện quyền bình đẳng thật sự đối với phụ nữ theo Di chúc Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, nhiều luật nhằm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị em phụ nữ như: Chỉ thị 44/CT-TW ngày 07/6/1984 về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, Nghị quyết số 176a-HĐBT về việc phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết 163/HĐBT quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị ban hành năm 1993 về tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37 của Ban Bí thư ban hành năm 1994 về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Luật Bình đẳng giới ban hành năm 2007; Luật phòng chống bạo hành gia đình…. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11 về Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết này được ban hành vào ngày 27/4/2007...
45 năm thực hiện Di chúc của Bác, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền bình đẳng đối với phụ nữ đã đạt được nhiều tiến bộ rõ nét, thể hiện ở các mặt sau:
Một, về nhận thức: Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến nhất định về việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ, đánh giá cao vai trò của phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng; coi công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác của địa phương, của ngành; có sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Hai, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của phụ nữ, giải quyết lực lượng lao động nữ, giảm tỷ lệ đói nghèo cho phụ nữ. Ngoài việc thụ hưởng các chương trình chung của Quốc gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh chương trình tăng thu nhập, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ cả nước. Phụ nữ được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển trang trại, mở mang nghề nghiệp, phát triển nghề truyền thống…
Ba, công tác cán bộ nữ; có sự chuyển biến về nhận thức và đánh giá đúng vai trò, khả năng của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới đất nước, các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ. Nhờ vậy đội ngũ cán bộ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tỷ lệ nữ trong các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ngành, các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ngành các cấp ngày càng tăng.
Đối với Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận thực hiện Di chúc của người về thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ; hiện nay trường có 24 đ/c nữ, Đảng ủy và BGH nhà trường quan tâm nhất là đào tạo sau đại học cho đội ngũ cán bộ nữ để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy, đến nay có: 01 chị là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường 07 chị trình độ thạc sĩ và 01 chị thi đậu cao học. Đội ngũ cán bộ nữ đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác chuyên môn, hầu hết các đồng chí nữ có trình độ thạc sĩ được đề bạt giữ những vị trí chủ chốt ở các phòng, khoa của trường; nhiều chị có các sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn, được Hội đồng sáng kiến nhà trường công nhận, hàng năm nhiều chị đạt CSTĐ cơ sở, LĐTT, được Hiệu trưởng tặng giấy khen. Mỗi chị em đều thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác và cuộc sống. Hàng năm với số tiền tiết kiệm xoay vòng, chị em đã giải quyết những khó khăn nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Chị em còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong xây dựng đơn vị chuẩn mực văn hóa…
Thực hiện Di chúc của người, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến công tác vận động phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng. Đảng và Nhà nước nhận thấy rõ những đặc điểm riêng của phụ nữ để định ra đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp. Do vậy, phong trào phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ Trường Chính trị Bình Thuận nói riêng ngày càng phát triển, sự đóng góp của phụ nữ cho sự phát triển của phụ nữ ngày càng lớn, quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v…ngày càng thể hiện rõ nét. Đặc biệt phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở tất cả các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước, các ngành, các doanh nghiệp…từng bước được bình đẳng thật sự. Cùng với thời gian, từ sự quan tâm, chăm lo của Bác, từ những lời căn dặn của Người trong Di chúc, cùng với sự cố gắng vươn lên của bản thân mỗi chị em, vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được nâng cao trong nước và trên trường quốc tế./.
(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr.32
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, 1995, t2, tr.105, 112;
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t2, tr.448;
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t10, tr.661;
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t2, tr.457;
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t4, tr.48.