Tin mới nhất

Cảm nhận về cuộc thi “Tìm hiểu về truyền thống lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận”

Năm 2020 là năm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của đất nước ta. Trong đó sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Và ngày hôm nay là thành tựu của gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Hòa vào dòng chảy của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng Bình Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bình Thuận đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác góp phần vào thắng lợi chung của cả nước với truyền thống hết sức quý báu. Đó là truyền thống: “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” trong 02 cuộc kháng chiến và ngày hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương với những thành tựu hết sức tự hào.

Để giáo dục những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nói riêng trong 90 năm qua thì cuộc thi “Tìm hiểu về truyền thống lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận” được tổ chức có ý nghĩa hết sức tích cực, kịp thời và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó thể hiện cụ thể là qua gần 02 tháng phát động đã có 18.115 bài dự thi gửi về Ban tổ chức, trong đó có gần 5.000 bài dự thi được đầu tư công phu về tư liệu nội dung, hình ảnh minh họa, giấy in đẹp, đóng thành tập sách, trình bày bìa đẹp. Kết quả, đã chọn được 25 bài có điểm cao nhất để xem xét trao giải, gồm: 01 giải đặc biệt, 01 giải nhất, 03 giải nhì, 05 giải ba và 15 giải khuyến khích[1]. Trường Chính trị tỉnh có 09 đồng chí viết bài tham dự Hội thi, trong đó có 05 bài vào vòng chung kết và kết quả đạt 01 giải Nhất và 01 giải Khuyến khích.

Để trả lời các câu hỏi của cuộc thi này có thể thấy rằng hết sức khó khăn bởi nguồn tư liệu viết về Lịch sử truyền thống của Đảng bộ tỉnh không nhiều lại tản mạn ở nhiều nơi. Ban đầu chỉ có 03 tập của Lịch sử Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên qua trình nghiên cứu, tìm hiểu, kết nối được nhiều địa chỉ thì dần dần các thông tin được tập hợp ngày càng hoàn thiện. Đó là nguồn tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là các số báo Thuận Hải, Bình Thuận từ sau ngày giải phóng trong kho lưu trữ của Thư viện tỉnh Bình Thuận… Từ những địa chỉ này, bản thân đã có những tài liệu, hình ảnh rất tâm đắc như hình ảnh cụ Lê Chạy; cụ Nguyễn Hữu Lợi; bộ ấm trà các đảng viên chi bộ Tam Tân sử dụng trong họp chi bộ[2]; hình ảnh 10 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ sau năm 1975… Với những tài liệu được sưu tầm, tìm hiểu khi tham gia cuộc thi, đối với tôi không chỉ dừng lại sau khi kết thúc cuộc thi mà nó còn là nguồn tài liệu quý giá phục vụ cho công tác chuyên môn của tôi cũng như của cơ quan - Trường Chính trị tỉnh, nơi tôi đang công tác. Từ đó truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh tiếp tục được truyền đạt lan tỏa đến các đồng chí học viên ở các lớp.

Cuộc thi góp phần tuyên truyền về thành tựu, chặng đường vẻ vang của Đảng và của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, về những móc son chói lọi, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; nêu bật những truyền thống quý báu và bài học kinh nghiệm trong chặng đường cách mạng 90 năm hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh.

Riêng đối với bản thân tôi khi nghiên cứu các tài liệu để tham gia cuộc thi, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình mà tuổi trẻ chúng tôi đang thụ hưởng được dựng xây bởi xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Và càng tin tưởng sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó thấy rằng mình càng phải cố gắng phấn đấu xứng đáng hơn để hoàn thành nhiệm vụ của bản thân mình, góp phần sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của tỉnh nhà và đất nước.

Và tôi tin chắc rằng ý nghĩa của cuộc thi vẫn tiếp tục được lan tỏa trong thời gian tới trong việc giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ chúng tôi.

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930 -2020), đây là dịp để tuyên truyền sâu rộng trong thế hệ trẻ và nhân dân tỉnh nhà về lịch sử, truyền thống anh hùng của quân và dân tỉnh ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương đồng khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.


[1] http://btgtu.binhthuan.dcs.vn/Trang-ch%E1%BB%A7/20205/202648.

[2] Bình uống trà chất liệu bằng sứ, cao 8,5cm, đường kính đáy 7cm, đường kính miệng 4,8cm. Trong cuộc họp thành lập chi bộ Đảng cộng sản Tam Tân và các cuộc họp định kỳ hàng tháng, đồng chí Lê Chạy (đảng viên của chi bộ) sử dụng bình sứ này pha sẵn trà ở nhà đem vào cho anh em trong chi bộ dùng. Bình trà do vợ đồng chí Chạy mua trước năm 1930, từ năm 1931 đến 1981 bình trà được sử dụng trong gia đình. Năm 1984 đồng chí Chạy giao bình trà cho Ban tuyên giáo huyện Hàm Tân bảo quản. Tháng 8 năm 1986 Ban Tuyên giáo huyện giao bình trà lại cho Bảo tàng Bình Thuận bảo quản nhằm phục vụ công tác trưng bày và giới thiệu với công chúng.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số