Sau khi Ban chấp hành Trung ương ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, nhân kỉ niệm 1000 ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945), ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong cả nước. Người chỉ rõ “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa,… Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ nguyên tắc, phương pháp, nội dung tổ chức phong trào thi đua yêu nước làm sao cho hiệu quả, cho thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ của cách mạng.
Thực hiện lời kêu gọi đó, nhiều phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, sôi nổi trong các ngành, các giới, qua đó đã động viên, khơi dậy tinh thần yêu nước, tập hợp được đông đảo người dân Việt Nam tham gia. Từ thi đua trong kháng chiến chống Pháp với các phong trào thi đua tăng gia sản xuất chống giặc đói, thi đua học hành chống giặc dốt, thi đua chiến đấu diệt giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Mỹ, các phong trào thi đua được triển khai mạnh mẽ hơn trong mọi giới, mọi ngành, tiêu biểu như phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” của đoàn viên thanh niên, phong trào “Ba đảm đang” của chị em phụ nữ, phong trào thi đua lao động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, phong trào thi đua “Ba nhất” trong lực lượng vũ trang, phong trào thi đua “Hai tốt” trong ngành giáo dục…Tất cả các phong trào đó là nguồn động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến thành hành động cụ thể góp phần to lớn kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Và trong công cuộc đổi mới đất nước, trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức phong trào thi đua yêu nước, Đảng, Nhà nước ta không ngừng đổi mới cách thức tổ chức, triển khai phong trào thi đua yêu nước và ngày càng hoàn thiện chủ trương, chính sách về thi đua khen thưởng, tạo cơ sở để phong trào thi đua yêu nước được triển khai đạt chất lượng, hiệu quả. Tiêu biểu các phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; “Cựu chiến binh gương mẫu”…
Kết quả của các phong trào đã tạo sự chuyển biến sâu rộng, tích cực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất hiện các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, qua đó góp phần lan toả, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Điển hỉnh như trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến tháng 05/2023, cả nước có 6.014/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, với hơn 5.069 chủ thể tham gia. Hay phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã huy động được lực lượng toàn xã hội cùng chung tay giảm nghèo bền vững. Tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 đã nhận được sự quan tâm của 167 cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, các nhà hảo tâm đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng.
Như vậy, các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động dù ở giai đoạn nào của đất nước, với những nội dung, hình thức khác nhau nhưng đều hướng vào mục đích đó là phát huy tinh thần tự lực tự cường, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của mỗi một người dân Việt Nam để thực hiện thắng lợi mục tiêu chung vì độc lập tự do tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ, thách thức lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 2045 như văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Nhận thức rõ vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong việc cổ vũ, động viên, khích lệ viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ, trong những năm qua, Đảng uỷ Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm do Tỉnh uỷ giao gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Các phong trào thi đua đều gắn với việc Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cử giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đi nghiên cứu thực tiễn bằng hình thức biệt phái công tác (giai đoạn 2022-2030); triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Trường Chính trị chuẩn; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng chuyên môn, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế…
Đảng uỷ cũng chú trọng lãnh đạo các đoàn thể của nhà trường tổ chức các phong trào thi đua trong thanh niên, đoàn viên công đoàn, như phong trào xây dựng người viên chức “Trung thành - Trách nhiệm - Liêm chính - Sáng tạo” của tổ chức công đoàn, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của nữ công; trong Chi đoàn có phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Các phong trào thi đua trên được triển khai mạnh mẽ, công tác khen thưởng biểu dương kịp thời, khách quan đã tạo động lực để viên chức, người lao động nhà trường phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, đạt các tiêu chí của Trường Chính trị chuẩn trong thời gian đến.
Có thể thấy, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực khích lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc ta cả trong thời kì đấu tranh giành độc lập và cả trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Mỗi cấp, mỗi ngành cần tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, sát với nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, nhằm đưa đất nước ngày càng phát triển./.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
GV Khoa Xây dựng Đảng