Hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa các hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác hòa giải trong Phòng, chống bạo lực, gia đình ở Việt Nam trước khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thì vẫn còn nhiều bất cập:
Thứ nhất, một bộ phận người dân và cán bộ chính quyền chưa phân biệt được trường hợp nào là bạo lực gia đình, trường hợp nào là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Vì vậy, dù đã xảy ra bạo lực gia đình nhưng không ít vụ việc vẫn chỉ thực hiện hòa giải mà không thực hiện biện pháp xử lý để răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực. Việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số vụ bạo lực gia đình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình kéo dài và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Thứ hai, theo quy định Luật, hòa giải không được thực hiện với vụ việc ba đã xử lý hành chính hoặc hình sự. Điều này dẫn đến, các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình không được giải quyết triệt để. Không ít trường hợp, người có hành vi bạo lực sau khi bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.
Nguyên nhân chung là do Luật Phòng, chống bạo lực, gia đình năm 2007 chưa quy định rõ những trường hợp thế nào thì được gọi là mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, những trường hợp nào được coi là hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:
- Khoản 2 Điều 1 định nghĩa nội hàm khái niệm bạo lực gia đình khá rộng nhưng tại Khoản 1 Điều 2 chỉ quy định 09 hành vi bạo lực gia đình. Trong thực tế, các hành vi BLGĐ rất đa dạng. Nói cách khác, 09 hành vi bạp lực gia đình (tại Khoản 1 Điều 2) chưa thể hiện được đầy đủ nội hàm của khái niệm bạo lực gia đình quy định tại Khoản 2 Điều 1 cũng như chưa phản ánh được hết thực tiễn đã và đang diễn ra. Điều này dẫn đến cách hiểu khác nhau bạo lực gia đình cũng như nhận diện hành vi bạo lực gia đình. Không nhận diện được đúng, đầy đủ hành vi bạo lực gia đình dẫn đến sự thiếu thống nhất khi thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, gia đình ở các địa phương.
- Khái niệm “bạo lực gia đình” và “mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình” có nội hàm khác nhau nhưng Luật hiện hành chưa giải thích rõ ràng sự khác biệt này. Từ đó dẫn đến chưa thống nhất khi xác định vụ việc bạo lực gia đình với vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
- Khoản 7 Điều 12 quy định không hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp khi “Vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại yêu cầu không xử lý theo quy định của pháp luật hình sự; Vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính”. Song gia đình là đối tượng đặc thù nên cần thực hiện hòa giải cả những vụ việc sau khi đã xử lý hành chính hoặc hình sự nhằm hạn chế tối đa những mẫu thuẫn giữa các thành viên gia đình để ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình tái diễn hoặc giữa những thành viên khác với nhau.
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa có quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các hòa giải viên thực hiện hòa giải trong Phòng, chống bạo lực gia đình. Thành viên tổ hòa giải trong Phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là người hiểu biết pháp luật, có uy tín ở cộng đồng dân cư mà còn là người phải có những kiến thức về giới và Phòng, chống bạo lực gia đình. Để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải thì cần thiết phải quy định rõ tiêu chuẩn cho những hòa giải viên ở cộng đồng.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã quy định cụ thể về Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; Chủ thể tiến hành hòa giải…
“Điều 17. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình
1. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
2. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Chủ động, kịp thời, kiên trì.
b) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình.
c) Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
d) Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải;
đ) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng”.
Theo đó, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc kể trên.
“Điều 18. Chủ thể tiến hành hòa giải
1. Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.
Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức đó với thành viên gia đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.
3. Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở”.
Như vậy, chủ thể tiến hành hoà giải trong phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: Thành viên trong gia đình, dòng họ; Cơ quan, tổ chức nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp và Tổ hòa giải ở cơ sở.
Việc tổ chức hoà giải bạo lực gia đình ở cơ sở được thực hiện theo những nguyên tắc:
Theo Điều 4 Luật Hoà giải cơ sở 2013 quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động hoà giải cơ sở như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở
1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.
4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”.
Theo đó, việc hoà giải cơ sở trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc về hoà giải ở cơ sở theo quy định kể trên.
Thông qua các quy định trên cho thấy, việc quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có những tác động tích cực vào việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đa số phụ nữ, trẻ em; đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình hoàn thiện, tác động tích cực vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ một cách tiến bộ, tích cực; xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, làm chủ. Đồng thời tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống bạo lực gia đình, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi bạo lực gia đình.
Bùi Khắc Huỳnh (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
2. Luật số 13/2022/QH15 ngày 14/11/2022 của Quốc hội về Phòng, chống bạo lực gia đình.