Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi bình thường trong khoảng 103-107 nam/100 nữ. Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính ở khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và một số nước vùng trung á như Azecbaizan, Acmênia... Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115 trai/100 gái. Tuy nhiên, đến nay Hàn Quốc đã cơ bản khống chế được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa về đúng quy luật sinh sản tự nhiên trong khi Trung Quốc vẫn tăng lên 122,8 trai/100 gái năm 2010.
Năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức bình thường tức là trong khoảng 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Nhưng trong 5 năm gần đây, đặc biệt từ năm 2006 đã có biểu hiện tăng đạt mức 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2009, tương đương mức năm 1990 của Trung Quốc. Trong năm 2010, con số này là 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng mạnh mẽ với 114,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Con số này đã vượt cao hơn cả chỉ tiêu đặt ra vào năm 2015. Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là tình trạng phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Các chuyên gia dự báo, cứ với tốc độ này, đến năm 2030 ở Việt Nam sẽ thừa trên 3 triệu đàn ông không có vợ và vào năm 2050, tình trạng thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn là 2,3 – 4,3 người, con số này đáng báo động. Bởi nó không chỉ là sự mất cân bằng trong xã hội mà còn dẫn tới vô số các hệ lụy về vấn đề đạo đức và một loạt các tệ nạn xã hội như gây thêm áp lực về kết hôn độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, mua bán dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và thậm chí việc tảo hôn lại trở nên phổ biến hơn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là: Phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nhưng các cặp vợ chồng mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh. Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của đàn ông, trụ cột về lao động cũng là nguyên nhân của tình trạng mất can bằng giới tính. Bên cạnh đó, chế độ an sinh chưa đảm bảo, hiện nay có khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán. Gần 83% phụ nữ ở thành phố biết giới tính con trước sinh, ở nông thôn tỉ lệ này là gần 75%, các thiết bị y tế hiện đại đã và đang can thiệp nhiều vào việc dự đoán giới tính.
Mặt khác, khoa học ngày một phát triển, các cặp vợ chồng cũng có thể tìm hiểu về các cách sinh con theo ý muốn. Họ tìm hiểu về chế độ ăn uống, thời điểm thích hợp để thụ tinh và những điều kiện tốt nhất để sinh con trai. Điều này cũng có thể làm gia tăng sự chênh lệch giới tính ở Việt Nam.
Thiết nghĩ, xã hội đang phát triển đến lúc cần nâng cao hơn nữa nhận thức, suy nghĩ, nhìn nhận lại vị trí, vai trò hết sức qua trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Ngày nay, người phụ nữ có thể tham gia rất nhiều vị trí hoạt động quan trọng cũng như đóng góp rất lớn về cả kinh tế, văn hóa, khoa học cho cộng đồng. Chúng ta phải giảm dần suy nghĩ không coi trọng phụ nữ mà quá đề cao vai trò của nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có như thế, mới đảm bảo sự phát triển cân bằng về giới tính, nghĩa là đảm bảo sự ổn định và bền vững của xã hội hiện đại./.