Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá". Điều đó, cho thấy người thầy có một tầm quan trọng rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Bác Hồ còn nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang được giành tặng cho những ai thực hiện công tác giảng dạy”.
Cái khó của người giảng viên dạy lý luận chính trị là đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết với công việc giảng dạy, nghiên cứu; lao động không ngại gian khổ, khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị; là sự tôn trọng, quý mến học viên giành cho mình; là đức tính cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Bác Hồ đã dạy để xứng đáng là tấm gương về đạo đức, lối sống đối với học viên. Bởi giảng dạy chính trị, đòi hỏi giữa lời nói, việc làm phải hài hòa, phải đi đôi. Nói và làm phải đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, cùng với sự hạn chế, yếu kém nhất định trong quản lý nhà nước, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong nước...là điều kiện cho những luận điệu xuyên tạc chống phá Chủ nghĩa Mác-Lê nin, chống phá thành quả cách mạng của Đảng ta. Người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải vững vàng, kiên định lập trường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải không ngừng học tập, tổng kết thực tiễn, phải có kiến thức đủ sức phản bác, chống lại những luận điệu xuyên tạc, mơ hồ, hoài nghi, bảo vệ sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Điều đó, đòi hỏi phải có sự rèn luyện, trau dồi về mọi mặt của người giảng viên. Phải khắc phục việc giảng đường lối, chính sách, pháp luật rất hay, nhưng làm thì ngược lại, điều đó phản tác dụng. Từ đó sẽ tạo ra sự hoài nghi, thiếu tin tưởng của học viên. Phẩm chất chính trị là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành nên, cùng với sự rèn luyện, học tập phấn đấu và quyết tâm của mỗi người. Giảng bài là việc khó, nhưng giảng cho các đối tượng ở trường chính trị lại càng khó hơn, đòi hỏi phải có sự sắc sảo trong từng bài giảng và những tri thức thực tiễn phong phú những mẫu chuyện sinh động. Chỉ có như vậy mới gây được tính thuyết phục đối với người học.
Để gắn bó bền bỉ với nghề, giảng viên cần không ngừng trau dồi chuyên môn và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Bởi, người giảng viên dạy lý luận chính trị không chỉ giáo dục tri thức lý luận mà còn bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị cho người học viên. Đặc biệt cần giữ cho mình cái tâm trong sáng. Chỉ có cái tâm trong sáng mới có thể tạo thành động lực tích cực cho người dạy và cả người học.
Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường, giảng viên Trường Chính trị Bình Thuận phải giữ vững Phẩm chất chính trị đúng đắn, tác phong chuẩn mực, lối sống giản dị. Mỗi giảng viên chúng ta phải phấn đấu và rèn luyện hơn nữa, như lời dạy của Bác Hồ dạy: “Một tấm gương đạo đức có giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết về đạo đức”./.