Thẩm tra, xác minh là công việc khó, để tăng cường chất lượng, hiệu quả, ngoài việc thường xuyên nghiên cứu sâu quy định, hướng dẫn của Đảng, cụ thể hoá của từng ngành, địa phương, tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm để rèn luyện kỹ năng, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải bản lĩnh, nhạy bén, có tư duy phân tích, đánh giá sự việc… Tránh trường hợp đưa ra những kết luận sai, không đúng bản chất nội dung sự vụ, sự việc sau khi kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát dẫn đến những hệ quả cần phải giải quyết.
Trong hoạt động xã hội của con người, kiểm tra, giám sát là công việc quan trọng, sẽ đảm bảo việc thực hiện các hoạt động xã hội đạt được kết quả theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đối với toàn bộ công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn từ khi thành lập Đảng đến nay đã chỉ ra rằng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, vì một lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó cũng có thể có những sai sót, sai lầm và việc nhận ra để khắc phục nhanh chóng, kịp thời những sai sót, sai lầm đó là việc mà Đảng ta đang hướng đến. Việc xin lỗi, khắc phục oan sai đối với tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan đã được đặt ra từ nhiều khóa trước, đến nhiệm kỳ lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Do đó, Ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Quy định gồm 4 Chương 15 Điều, quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Có thể khẳng định đây là văn bản đầu tiên của Đảng, cụ thể hóa quan điểm đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan thì được phục hồi quyền lợi, đồng thời cũng cụ thể hoá, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa Quy định 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021, Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 9-12-2021, Quy định 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Theo Quy định 117 của Bộ Chính trị vừa ban hành, việc xin lỗi phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện dựa trên những nguyên tắc kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện, với những nội dung mới và cụ thể, rõ ràng, chi tiết. Trong đó, đã đưa ra những nội dung và xác định cụ thể như:
“Kỷ luật oan” là việc tổ chức đảng, đảng viên không vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận có vi phạm và thi hành kỷ luật.
“Xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan” là việc tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
“Phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan” là việc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền phục hồi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức đảng, đảng viên.
Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan, giải quyết oan sai phải triệt để. Kể cả đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, toà án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên. Song song với đó, khi toà án huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bố mất tích thì tổ chức đảng kỷ luật oan xem xét phục hồi quyền lợi cho đảng viên theo quy định.
Đi cùng với việc công khai xin lỗi, phục hồi quyền lợi về mặt chính trị cho tổ chức đảng, đảng viên thì quy định cũng nêu rõ việc xem xét bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời.
Trong Quy định 117 cũng nêu rõ những trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan không được xin lỗi và phục hồi quyền lợi: Sau khi bị kỷ luật oan đã không giữ được tư cách, phẩm chất, tiêu chuẩn đảng viên hoặc vi phạm bị kỷ luật; Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan; Từ chối việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi; Tự ý bỏ sinh hoạt đảng; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và trách nhiệm của đảng viên theo quy định... Điều này nhằm nhắn nhủ đến cá nhân những đảng viên, trong quá trình tổ chức đảng có thẩm quyền đang xem xét xử lý, chưa đưa ra kết luận những nội dung liên quan đến việc xử lý oan sai thì bản thân vẫn còn mang danh là đảng viên, vẫn phải có tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh.
Với những nội dung trọng tâm, ý nghĩa mà Quy định 117 của Bộ Chính trị đã đưa ra đặt mục tiêu quan trọng đó là trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, để hạn chế đến mức thấp nhất và không xảy ra oan sai, phải thực hiện xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng và đảng viên. Trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, tổ chức đảng có thẩm quyền phải làm đúng quy trình, kịp thời, chặt chẽ, thận trọng, chính xác, công tâm khách quan và nhất chú ý đi sâu vào thẩm tra xác minh. Bởi vì thẩm tra, xác minh là khâu hết sức quan trọng, không thể thiếu trong toàn bộ quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Do đó, hoạt động thẩm tra, xác minh phải được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, khoa học, khách quan và chính xác. Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các hoạt động tiếp xúc, trao đổi với đối tượng, các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc để gợi mở, tìm kiếm, thu thập tài liệu, chứng cứ, so sánh, xem xét, đánh giá với mục đích cuối cùng là tìm ra sự thật, bản chất của sự việc hết sức khách quan nhằm chứng minh đối tượng được kiểm tra, giám sát có hay không khuyết điểm hoặc vi phạm, giúp cho việc xem xét, kết luận, quyết định xử lý bảo đảm công minh, chính xác và kịp thời, tránh trường hợp xảy ra oan sai, dẫn đến phải khắc phục như nội dung và tinh thần của Quy định 117 đã đưa ra.
Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nói riêng và hệ thống các trường chính trị trong toàn quốc nói chung, việc vận dụng cập nhật đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của cấp ủy cấp trên, của địa phương vào giảng dạy là việc làm thường xuyên của đội ngũ giảng viên. Do vậy, cập nhật Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan vào bài giảng là việc làm cấp thiết, mang tính thời sự, nhất là trong chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị có học phần Xây dựng Đảng, trong đó có các chuyên đề Công tác đảng viên của tổ chức cơ sở đảng; Công tác kiểm tra, giám của tổ chức cơ sở đảng. Việc cập nhật văn bản mới trong giảng dạy nhằm mục đích tuyên truyền đến học viên nói riêng, đảng viên nói chung một cách nhanh nhất, chính xác nhất về những nội dung, điểm mới về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật oan. Việc xin lỗi tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan không phải là hình thức, rập khuôn, máy móc mà phải thực sự chân thành, cầu thị, góp phần xoa dịu tinh thần của đảng viên, giúp họ tạo được niềm tin với Đảng ta. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, nhất là tổ chức đảng ở cơ sở phải đề cao và thực hiện thật tốt văn hoá xin lỗi khi phát hiện có oan, sai xảy ra, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường sức chiến đấu, nhất là ở cơ sở.
Trọng Trưởng
Tài liệu tham khảo
Đảng Cộng sản Việt Nam: Quy định số 117-QĐ/TW ngày 18/8/2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.