Tin mới nhất

Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiếp dân của chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Tiếp công dân là giai đoạn đầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, là một khâu then chốt góp phần giải quyết có hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo của công dân; qua đó bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bài viết phản ánh thực trạng công tác tiếp công dân của chính quyền cấp xã tỉnh Bình Thuận trong năm 2023 và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian đến.

Tiếp công dân là việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe những khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh mà công dân phản ánh, hướng dẫn công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Nhận thức được vai trò tầm quan trọng đó, trong thời gian qua công tác tiếp dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được các cấp chính quyền quan tâm và đạt được nhiều kết quả, bộ phận tiếp công dân luôn giữ được thái độ lịch sự, đón tiếp nhiệt tình khi công dân đến, luôn lắng nghe chia sẻ mọi ý kiến, phản hồi, thắc mắc cũng như những khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt, bộ phận tiếp nhận đã có giấy hẹn ngày tiếp công dân cụ thể, nhiều nơi công việc được chuẩn bị trước một cách chu đáo. Những vấn đề người dân kiến nghị, đề xuất, khiếu nại đã được các cấp chính quyền giao các cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc tiếp thu và xem xét cụ thể thấu đáo từ đó đưa ra ý kiến giải thích và chỉ đạo xử lý đúng đắn đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp thực tế.

Trong năm 2023, Chủ tịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều duy trì tổ chức tiếp công dân thường xuyên và định kỳ theo quy định của pháp luật về tiếp công dân; đã tiếp 5053 lượt/5290 vụ việc (giảm 760 lượt, giảm 877 người so với cùng kỳ năm 2022); trong đó tiếp đông người: 02 lượt/33 người (giảm 09 lượt, giảm 103 người). Cụ thể: Tiếp công dân thường xuyên: 3226 lượt/3431 người;2618 vụ việc (tiếp lần đầu: 2382 vụ việc, tiếp nhiều lần: 236 vụ việc); trong đó tiếp đông người: 02 lượt/33 người (vụ việc mới). Tiếp định kỳ và đột xuất: tổ chức 830 kỳ tiếp dân với 1647 lượt/1679 người/1111 vụ việc. Nội dung chủ yếu mà người dân đến phản ánh về việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất, thu hồi giấy CNQSD đất, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, việc đòi lại đất cũ, việc xin thuê đất và kinh doanh…Tố cáo cán bộ, công chức, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tố cáo công dân có hành vi lừa đảo…phản ánh, kiến nghị về việc lẫn chiếm đất công, việc công chức tham mưu của Ủy ban Nhân dân một số xã chậm giải quyết đơn; gây rối trật tự công cộng; việc hướng dẫn thủ tục cấp giấy CNQSD đất; phản ánh việc gây ô nhiễm môi trường; công tác hộ tịch; phản ánh hành vi lấn chiếm đất hành lang đường bộ, đất mặt tiền; giải quyết chính sách… Quá trình tiếp công dân, xử lý đơn thư của cán bộ, công chức nhìn chung thực hiện đúng quy định, như lắng nghe, giải thích, hướng dẫn, xem xét hoặc báo cáo người có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề dân nguyện.

Tuy nhiên, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy đảng và người đứng đầu chính quyền một số nơi về vai trò tầm quan trọng của công tác tiếp công dân còn hạn chế vì vậy vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, tiếp dân qua loa hình thức. Thực tế cho thấy một số đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân định kỳ mà lại ủy quyền hoàn toàn cho Phó Chủ tịch, đây là việc làm chưa đúng theo yêu cầu quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ hai, theo quy định của luật tiếp công dân thì địa điểm tiếp dân là địa điểm để đón tiếp công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều xã chưa có phòng tiếp công dân độc lập. Hiện tại chỉ tập trung vào “một cửa”, nhưng chức năng của “một cửa” ở cơ sở chủ yếu là giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh chóng công việc của dân làm giảm phiền hà cho dân khi thực hiện các thủ tục hành chính chứ không phải để tiếp nhận, giải quyết ý kiến, khiếu nại, tố cáo của công dân. Vì vậy, dẫn đến tình trạng ở một số xã gặp đồng chí cán bộ nào của Uỷ ban nhân dân xã cũng có thể tiếp công dân được nhưng không phải ai cũng trả lời, giải quyết được, tạo ra tình trạng lộn xộn, tùy tiện trong tiếp công dân.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiếp dân còn hạn chế về trình độ, năng lực. Không ít người tiếp công dân chưa nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề người dân có ý kiến, bên cạnh đó tâm lý ngại khó, ngại va chạm, kỹ năng nghiệp vụ tiếp dân chưa được trang bị đầy đủ vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác tiếp dân. Việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên ở cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn do cán bộ tiếp công dân ở cấp xã là cán bộ kiêm nhiệm nên thời gian dành cho việc nghiên cứu các quy định của pháp luật và các tài liệu phục vụ cho công tác tiếp công dân còn hạn chế dẫn đến công tác tiếp công dân không đạt được hiệu quả cao.

Thứ tư, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế thiếu chặt chẽ, kịp thời do đó hiệu quả chưa cao nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của nhân dân chưa được xử lý kịp thời, triệt để.

Từ thực trạng trên để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân của chính quyền cơ sở trên địa bàn Bình Thuận trong thời gian tới, cần tập trung những giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, học tập và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, ý nghĩa của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, nêu cao vai trò trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ công chức trong hệ thống chính trị phải thấy được việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân chính là tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cũng là dịp để tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, để Đảng ta thực sự xứng đáng là "Đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc" và chính quyền thực sự xứng đáng là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hai là, đối với chính quyền cơ sở nơi được coi là khởi nguồn của các tranh chấp khiếu kiện cần làm tốt công tác đón tiếp công dân nhằm tạo không khí thân thiện cởi mở luôn lắng nghe nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tích cực, chủ động đối thoại với nhân dân để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn mới phát sinh tại cơ sở. Bố trí địa điểm tiếp công dân phù hợp, tốt nhất là địa điểm độc lập. Mặt khác, Chủ tịch UBND xã nên bố trí thời gian để tiếp công dân theo quy định, hạn chế việc uỷ quyền giải quyết như hiện nay.

Ba là, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước đối với công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp công dân. Những vụ việc phức tạp các đồng chí lãnh đạo phải kiểm tra xem xét, tiếp và chỉ đạo giải quyết với tinh thần phục vụ nhân dân đảm bảo sự bình đẳng dân chủ trong mối quan hệ giữa nhà nước với công dân và xã hội. Đối với những vụ việc phức tạp, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cần có sự chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan phải tích cực phối hợp để giải quyết dứt điểm không để vụ việc kéo dài.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính và chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo đặc biệt là khiếu nại vòng vo, đông người trái pháp luật. Coi trọng công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, kịp thời phát hiện xử lý đúng quy định của pháp luật những hành vi lợi dụng dân chủ gây rối làm ảnh hưởng đế hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Chính quyền các cấp cần tích cực chủ động phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể nắm chắc tình hình dân cư để kịp thời hòa giải các vụ việc khi vừa mới phát sinh trong từng khu dân cư./.

Ths. Nguyễn Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Thuận về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số