Ở trường Chính trị tỉnh Bình Thuận hiện nay, đội ngũ giảng viên có 23 đ/c (chưa kể đến 03 đồng chí tham gia giảng dạy nhưng đang chờ thi tuyển chính thức), số lượng giảng viên trẻ chiếm khoảng 37%. Hầu hết các giảng viên trẻ đều có trình độ đại học trở lên, được đào tạo bài bản về chuyên môn, có năng lực giảng dạy, thành thạo trong sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Tuy nhiên, với tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, kiến thức thực tiễn về một số ngành, lĩnh vực chưa nhiều, kinh nghiệm giảng dạy còn ít, lại giảng dạy trong môi trường đối tượng học viên là những cán bộ, công chức, viên chức có tuổi đời và trải qua thực tiễn công tác phong phú là một thách thức lớn đối với các giảng viên trẻ của nhà trường. Nhiều bài giảng về nghiệp vụ nhưng còn mang nặng tính lý luận, khô khan, trừu tượng, thiếu sự sinh động của thực tiễn.
Để đảm bảo yêu cầu lý luận gắn với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, Ban Giám hiệu đã có những chủ trương nhằm nâng cao kiến thức thực tế cho đội ngũ giảng viên trẻ như: xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngắn hạn ở cơ sở (thời gian 6 tháng đối với viên chức là giảng viên, 3 tháng đối với viên chức là lãnh đạo); ban hành kế hoạch nghiên cứu thực tế hàng năm ở trong và ngoài tỉnh; phân công giảng viên hướng dẫn các lớp đi nghiên cứu thực tế cuối khóa; xây dựng đề án cử viên chức đi nghiên cứu thực tế bằng hình thức biệt phái tới các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể đi nghiên cứu thực tế trực tiếp, nhà trường đã linh hoạt thực hiện chủ trương nghiên cứu thực tế bằng cách nghe báo cáo từ các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng hình thức trực tuyến thông qua phần mềm Microsoft Teams. Qua đó, việc nâng cao kiến thức thực tế ở đội ngũ giảng viên trẻ bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giảng viên có sự trưởng thành hơn, hiểu biết hơn về thực tiễn các địa phương, đơn vị, biết vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế vào giảng dạy; một số bài giảng được bổ sung nhiều kiến thức thực tiễn phù hợp.
Bên cạnh tích cực tham gia những hoạt động đó của nhà trường, để ngày càng nâng cao hơn nữa tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, thiết nghĩ bản thân mỗi giảng viên trẻ cần có sự chủ động, nỗ lực cố gắng, cụ thể bằng một số giải pháp:
Trước hết, mỗi giảng viên phải tự mình trau dồi, củng cố vững chắc kiến thức lý luận phần mình tham gia giảng dạy. Khi nắm chắc kiến thức lý luận thì việc vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng sẽ dễ dàng hơn, biết lựa chọn thực tiễn phù hợp với nội dung từng bài giảng. Không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều phải liên hệ thực tiễn, mà chỉ nên liên hệ ở những vấn đề quan trọng cần nhấn mạnh. Đồng thời, cần tìm hiểu, nghiên cứu thêm nhiều tài liệu để có kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, trong giảng bài, sẽ có những ví dụ sinh động, sát thực cho bài giảng.
Thứ hai, cần tích cực, chủ động khi tham gia các buổi nghiên cứu thực tế do nhà trường, Khoa tổ chức. Tìm hiểu, nghiên cứu trước nội dung, địa điểm sẽ đến nghiên cứu thực tế để đến buổi nghiên cứu thực tế có thể chủ động đặt câu hỏi, làm rõ thêm vấn đề. Hoặc có thể trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với những cán bộ, hội viên các hội đoàn thể ở địa phương nơi mình sinh sống, tham quan các mô hình lao động sản xuất để trực tiếp thu thập những kiến thức thực tiễn sinh động. Đồng thời, trong giảng dạy, thông qua trao đổi, thảo luận có thể thu thập thêm kiến thức thực tiễn từ phía học viên.
Thứ ba, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học là cách để mỗi giảng viên có thêm thực tiễn. Vì thông qua đó, củng cố kiến thức lý luận, rèn luyện kỹ năng tư duy khoa học, thu thập thêm kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng. Ngoài ra, mỗi giảng viên cần chủ động khai thác, chắt lọc các thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, tạp chí, Internet,…) để có thực tiễn đa chiều, phù hợp.
Thứ tư, trong giảng dạy, cần bám sát đối tượng học viên để vận dụng, liên hệ thực tiễn cho phù hợp. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học được mở ở trường khác với các lớp mở ở các huyện, hoặc giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên là thanh niên trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng học sẽ giúp chúng ta lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp. Ngoài ra, kiến thức thực tiễn đưa vào bài giảng phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích, chứng minh.
Có thể nói, trong giảng dạy lý luận chính trị, việc đảm bảo lý luận gắn với thực tiễn là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Sự nỗ lực, cố gắng của mỗi giảng viên trẻ trong việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy sẽ góp phần cùng với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị hiện nay./.