Tin mới nhất

Vận dụng một số điểm mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào giảng dạy môn kinh tế chính trị trong chương trình trung cấp lý luận chính trị

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội đã thảo luận và thông qua các Văn kiện có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là sự kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Do đó, việc vận dụng một số điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy các bộ môn trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị vừa là yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường, trong đó các việc giảng dạy ở bộ môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin. Trên cơ sở nghiên cứu những điểm mới thể hiện trong Văn kiện, giảng viên cần bổ sung vào bài giảng với các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất: Điểm mới về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực kinh tế 5 năm 2021 – 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dwngj nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Thực hiện tốt hơn phát triển bền vững kinh tế biển. Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Điểm mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030:

Định hướng về xây dựng, hoàn thiện thể chế: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lưc, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Định hướng về phát triển kinh tế: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể vận dụng những điểm mới trong định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực kinh tế 5 năm 2021 – 2025 và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030 vào giảng dạy bài 12: Nền xuất hàng hoá và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hoá để khẳng định tính đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc xác định phát triển kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Khẳng định tầm quan trọng trong việc đổi mới nền kinh tế, xã hội, tiếp tục thực hiện nhiều cuộc cải cách kinh tế tuân theo những nội dung của quy luật giá trị nhằm hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá xã hội chủ nghĩa đa dạng, từ đó định hướng phát triển kinh tế đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Thứ hai: Kinh tế thị trường là giá trị chung của nhân loại, được phát triển trong chủ nghĩa tư bản. Từ Đại hội IX, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa Đại hội XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Những nội dung trên chính là quan điểm Kinh tế chính trị của Mác về lý luận hàng hoá và sản xuất hàng hoá. Khi giảng phần này giảng viên cần cho học viên thấy được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nó là cơ sở lý luận để đòi hỏi đảm bảo tính cạnh tranh, tính công bằng và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước. Khẳng định được kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kết quả của một quá trình tìm tòi, thể nghiệm lâu dài, từ chưa đầy đủ đến ngày càng đầy đủ, từ chưa sâu sắc đến ngày càng sâu sắc hơn.

Thứ ba: Văn kiện của Đại hội XIII đã xác định rõ trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh phải dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhân lực chất lượng cao; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu,… Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong nhiều ngành, lĩnh vực. Văn kiện Đại hội XIII xác định cần phải “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng”, “chuyển mạnh” nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng mới, “tạo bứt phá” trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiểu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại hội XIII cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030: đóng góp vào năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Những nội dung này giảng viên có thể vận dụng vào bài 13: Sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Trong đó, có các nội dung về hàng hoá sức lao động, hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư, tích luỹ tư bản chủ nghĩa. Qua đó, giúp cho học viên thấy được vai trò của người lao động, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động; để tái sản xuất mở rộng cần tích cực đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí để sản xuất ra nhiều sản phẩm làm tăng tích luỹ, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế mới theo quan điểm mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Việc nghiên cứu và vận dụng những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào trong các bài giảng của chương trình Trung cấp lý luận chính trị mới hiện nay là một việc làm mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở của các Trường Chính trị tỉnh. Nếu làm tốt được điều này sẽ góp phần tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên các Trường Chính trị tỉnh./.


Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 114, 120, 121, 128, 129.

2. Hội đồng Lý luận Trung ương: Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số