Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.[1] Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về môi trường, Quốc hội khoá XII đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2014. Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thành công trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá.[2]
Trước thực trạng trên, yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng, ban hành pháp luật về bảo về môi trường đáp ứng yêu cầu mới. Ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. So với Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, vì vậy chưa đẩy mạnh, phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh,[3] nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường.
2. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; cắt giảm thủ tục hành chính.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể về Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư (Điều 28), về Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 29) và Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (Điều 30).
Dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm: “dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.”[4] Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.[5]
Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 01 giấy phép môi trường và bãi bỏ các giấy phép có liên quan.[6]
3. Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.
Thông qua việc bảo vệ các thành phần môi trường được quy định trong Luật, qua đó bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
Luật đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, môi trường không khí nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường; quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ được quy định ở các nội dung về bảo vệ chất lượng môi trường không khí, đất, nước, việc bảo vệ các thành phần môi trường này còn được thể hiện tại nhiều nội dung có liên quan trong Luật như các nội dung về quản lý nước thải, quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác cũng như các nội dung về quản lý chất thải rắn (sẽ góp phần giảm tác động đến môi trường đất, nước và không khí), quan trắc các thành phần môi trường, vv.
4. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên “khối lượng” hoặc “thể tích”[7] thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 03 loại: (i) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) chất thải rắn sinh hoạt khác.[8]
Nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngoài quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; Luật đã quy định mở rộng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì “có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc” bằng hình thức “ tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì” hoặc “đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì”.[9]
5. Quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất; phân cấp triệt để cho địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua việc giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả[10]. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
6. Quy định về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.
Tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung nội dung về kiểm toán môi trường nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nội dung chính của kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm: việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.[11]
7. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.[12] Đặc biệt, lần đầu tiên Luật đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước,[13] như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia công ước quốc tế về biến đổi khí hậu.
8. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định về tiêu chí xác lập di sản thiên nhiên dựa trên cơ sở các tiêu chí của quốc tế và thực tiễn điều kiện Việt Nam hiện nay. Đồng thời, quy định nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên gồm: việc điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên để bảo vệ, phát huy giá trị bền vững di sản thiên nhiên ở nước ta.[14]
9. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Để tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường.[15] Trong đó, đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường.
Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đáp ứng những yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Những quy định của Luật là cơ sở pháp lý về nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cá nhân, doanh nghiệp; là công cụ để thực hiện quản lý nhà nước về môi trường hiệu quả; đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, di sản thiên nhiên, đồng thời cụ thể hoá quyền hiến định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường[16]”./.
1. Khoản 1, Điều 63, Hiến pháp 2013.
2. Báo cáo số 37/BC-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 05 tháng 4 năm 2020 về tổng kết 5 năm thi hành Luật BVMT 2014.
3. Điều 1, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
4. Điều 28, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
5. Điều 29, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
6. Mục IV, Chương IV, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
7. Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
8. Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
9. Điều 54, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
10. Điều 35, 36, 41, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
11. Điều 74, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
12. Điều 90, 91,92,93, 96, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
13. Điều 139, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
14. Điều 20, 21, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
15. Chương XI, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
16. Điều 43, Hiến pháp 2013.