Tin mới nhất

Quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân từ Đại hội VI đến nay

Năm 1986, đất nước ta khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát 774,7%, tổng thu nhập quốc dân khoảng 14 tỷ USD với hơn 50 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người khoảng 280 USD. Trong hoàn cảnh đời sống nhân dân vô cùng khó khăn với trách nhiệm của Đảng cầm quyền, Đảng ta đã nhận thức rõ đổi mới là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và nhân dân. Công cuộc đổi mới đất nước được tiến hành bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quá trình nhận thức của Đảng ta về kinh tế tư nhân từ Đại hội VI đến nay.

Tháng 12/1986, kinh tế tư nhân lần đầu tiên được thể hiện trong Văn kiện đại hội của Đảng ta: “Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, Nhà nước thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, hướng dẫn và giúp đỡ nó sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể… Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tuỳ theo ngành nghề và mặt hàng… Thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá và kinh tế tư bản tư nhân … Cần sửa đổi, bổ sung và công bố chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế”[1]. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã nhận định “phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một chủ trương chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”[2].

Với chủ trương thực hiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần được đưa ra tại Đại hội VI, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, đã được nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đi nhanh vào cuộc sống. Chính sách ấy đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế; khơi dậy được nhiều tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo thêm việc làm và sản phẩm cho xã hội; thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền kinh tế hàng hoá, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường. Đặc biệt, đối với kinh tế tư nhân, thời gian này nhiều hộ cá thể và tiểu chủ đã bỏ vốn kinh doanh vào nhiều ngành nghề, nhiều đơn vị kinh tế tư nhân đóng góp tích cực và làm giàu chính đáng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 6 năm 1991. Tại Đại hội này, Đảng ta đã chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước; trong đó kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức”[3]. Cũng tại Đại hội này, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó khẳng định: “Nền kinh tế nước ta tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong đó có ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Trên cơ sở ba hình thức sở hữ này hình thành năm thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước”[4].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 01/7/1996. Trong Đại hội lần này, Đảng ta đã đưa ra chính sách cụ thể với kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân được thể hiện bằng những giải pháp cụ thể hơn, đó là: “Giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, công nghệ, thị trường và kinh nghiệm quản lý để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn và có chính sách thích hợp khuyến khích họ tự tổ chức hoặc tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và các hình thức liên doanh, liên kết với kinh tế nhà nước. Thực hiện các biện pháp chính sách để khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất trong các ngành, các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước… Xây dựng quan hệ hợp tác giữa chủ và thợ trên cơ sở thực hiện Luật Lao động, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cả hai bên”[5].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 4 năm 2001. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội lần này, Đảng ta đã đưa ra quan điểm về kinh tế tư nhân: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phẩn, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xay dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”[6]. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khoá IX, Đảng ta đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Có thể nói, đến Hội nghị này, kinh tế tư nhân đã được Đảng ta quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X diễn ra từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006. Đại hội lần này đã nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế… Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân… Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”[7].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 12 tháng 01 đến 19 tháng 01 năm 2011. Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Đảng ta đã nhận mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của phát luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”[8].

Đại hội đại biểu toàn quốc XII của Đảng khai mạc từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 01 năm 2016. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế… Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”[9]. Đặc biệt, ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ ngày 25 tháng 01 đến ngày 01 tháng 02 năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được diễn ra tại Hà Nội. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân”[10]. Đây là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ,… Đây là một trong những điểm mới nhất của Văn kiện Đại hội XIII. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã giải đáp sâu sắc những vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó có việc phát triển kinh tế tư nhân. Bài viết cũng đã khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế vẫn tuân thủ đúng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Muốn kinh tế tư nhân phát triển đúng theo quỹ đạo, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa thì tất yếu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước ta, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Có thể nói, đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chúng ta./.


[1]. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, trang 59-61.

[2]. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, trang 355.

[3]. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, trang 394.

[4]. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, trang 431.

[5]. Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, trang 803-805.

[6].  Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, trang 919.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 83,86.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 74,209.

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 107,108.

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 240.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số