Việc ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 là một văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong việc thể chế hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" của Đảng ta. Trải qua 15 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả rất tích cực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thu hút Nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước; khắc phục được tình trạng quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức ở chính quyền cấp xã; góp phần xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân tại cơ sở. Tuy nhiên, bối cảnh mới và thực tiễn hiện nay cũng cho thấy quy định của một số quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cần được nghiên cứu tiếp tục sửa đổi, bổ sung để sát thực với tình hình thực tế ở cấp cơ sở là đòi hỏi cấp bách là quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã là điều kiện quan trọng để tạo môi trường cho thực hiện pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu khách quan của đời sống xã hội, đồng nghĩa với quyền lợi, tiếng nói của người dân được coi trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện một số quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã để bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích và việc giám sát của người dân có hiệu quả trong thực hiện QCDC ở cấp xã.
Trước những vướng mắc, bất cập hiện nay của một số quy phạm pháp luật trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cần có sự nghiên cứu nhằm hoàn thiện theo hướng ban hành Luật để thực hiện dân chủ cơ sở ở cấp xã. Các quy phạm pháp luật tại Luật cần nghiên cứu quy định theo hướng như sau:
Thứ nhất, Rà soát, so sánh, đối chiếu giữa Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tiếp cận thông tin, Luật trưng cầu ý dân, Luật an ninh mạng… với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 để quy định rõ những vấn đề, nội dung cấm công khai, cấm cung cấp thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật quốc gia, liên quan đến an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia; những nội dung nào cần công khai, cung cấp thông tin để người dân được biết, được kiểm tra, được bàn. Quy định hiện nay về 11 nội dung (trong đó có 10 nội dung quy định cơ bản và 01 nội dung quy định theo hướng mở) cần được công khai, thông báo cho người dân tại Pháp lệnh chưa bao phủ hết yêu cầu của người dân và chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ, chưa phù hợp với quan điểm của Đảng về đảm bảo dân chủ của người dân.
Thứ hai, Trao quyền thêm cho người dân trong thực hiện QCDC cơ sở ở cấp xã để người dân thể hiện quan điểm, chính kiến của mình trong việc ban hành quyết định hành chính của người đứng đầu chính quyền cấp xã. Khi người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm, có sai phạm trong việc thực hiện QCDC, người dân có quyền lên tiếng và phản hồi.
Thứ ba, Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể nghĩa vụ (các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp xã) trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, khi thực hiện không đúng nội dung quy định trong QCDC ở cơ sở, có sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người dân về những sai phạm của mình.
Trong quan hệ phối hợp với cơ quan cấp trên và cơ quan cùng cấp về thực hiện QCDC ở cơ sở, thực chất Pháp lệnh số 34 chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa cụ thể nội dung phối hợp của cơ quan nhà nước ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn chưa được quy định. Quy định tại Pháp lệnh số 34 chỉ giao cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai và chịu trách nhiệm chính để thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, song vấn đề về chỉ đạo của cấp trên và mối quan hệ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, hoặc giữa cấp huyện và cấp tỉnh chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quan hệ phối hợp và trách nhiệm giữa các chủ thể nghĩa vụ trong thực hiện QCDC cho phù hợp với thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, Cần bổ sung, làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã với tư cách là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Thứ tư, Hoàn thiện căn cứ pháp lý để xử lý sai phạm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời quy định về chế độ khen thưởng xứng đáng đối với cá nhân tổ chức có thành tích tốt trong thực hiện QCDC ở cơ sở.
Thứ năm, Cần quy định cụ thể các chủ thể có quyền đề xuất những vấn đề để Nhân dân bàn, biểu quyết; chủ thể có quyền đề xuất việc bãi miễn Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Thôn, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban đầu tư của cộng đồng. Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét ra quyết định công nhận kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên, Pháp lệnh chưa quy định nếu Nhân dân không đồng tình với lý do mà Ủy ban nhân dân cấp xã nêu ra thì xem xét và giải quyết kết quả bầu cử đó như thế nào? Vì vậy, cần quy định bổ sung vấn đề này để chặt chẽ hơn trong việc công nhận kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND được ban hành năm 2015 tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND). Thực tiễn thực hiện hoạt động giám sát thực hiện QCDC ở cấp xã đối với hoạt động giám sát trực tiếp của Nhân dân thường tập trung vào giám sát những nội dung công khai cho người dân biết, những nội dung dân bàn và quyết định trực tiếp, thông qua hoạt động Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa được luật hóa cụ thể mà trực tiếp và chủ yếu là ở xã, phường, thị trấn. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở thiết nghĩ trong thời gian tới Quốc hội cần nghiên cứu và bổ sung vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ về trách nhiệm của từng chủ thể và đối tượng giám sát cũng như bảo đảm những điều kiện cần thiết để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đạt chất lượng hơn. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt và có hiệu quả chức năng giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, các đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Như vậy, sớm ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là một yêu cầu tất yếu khách quan trong qua trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó cần sửa đổi bổ sung nhiều quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của việc tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thi, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và luật hóa nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[1] từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tập 1, tr.27.