Luật đã dành 04 điều (Điều 11, 12, 13, 14) quy định về phân quyền, phân cấp, uỷ quyền trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Bài viết nhằm giúp phân biệt rõ các quy định về phân quyền, phân cấp, uỷ quyền và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định về phân quyền, phân cấp, uỷ quyền trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Phân quyền cho chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định[1]:
Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác.
Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.
Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc thực hiện việc phân định thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Phân cấp cho chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định[2]:
Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc thực hiện việc phân định thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.
Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.
Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.
Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Ngoài việc quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương bằng hình thức: phân quyền và phân cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn quy định về Ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với tư cách một cơ chế mang tính kĩ thuật để bảo đảm thực hiện hiệu quả công việc hành chính nhà nước.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định:[3]
Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp phân quyền quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.
Việc ủy quyền phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.
Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
Qua các quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp và uỷ quyền cho thấy: Phân quyền là trao cho các cấp chính quyền địa phương những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định; việc phân quyền phải được quy định trong luật. Phân cấp là cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương trao cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình; việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp. Ủy quyền là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên giao cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể; việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.
Từ quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện chúng ta thấy việc phân quyền, phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước vẫn còn một số vướng mắc, bất cập sau:
Một là, hiện nay, việc phân cấp, phân quyền trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể được quy định trong các luật chuyên ngành, tuy nhiên mới chủ yếu tập trung vào phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh; chưa quy định rõ ràng, rành mạch phạm vi phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Hai là, nhiều quy định pháp luật về phân cấp chưa cụ thể, rõ ràng nên trên thực tế, việc thực hiện phân cấp không thống nhất (về nguyên tắc, hình thức, cách thức thực hiện phân cấp, điều kiện, nguồn lực bảo đảm…).
Ba là, khi thực hiện phân cấp, các cơ quan chưa bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cần thiết (về tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính) cho việc tổ chức thực hiện phân cấp, chưa xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan phân cấp và cơ quan được phân cấp.
Để tạo bước chuyển căn bản và mạnh mẽ cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nước đáp ứng yêu cầu hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có sự hiểu thống nhất và rành mạch về các khái niệm “phân công”, “phân cấp”, “phân quyền”, “uỷ quyền”; nguyên tắc, điều kiện, cách thức thực hiện và trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Thứ hai, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực phải gắn liền với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật (nhất là các luật chuyên ngành). Do đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành cần đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho phù hợp.
Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đánh giá, xác định rõ những điều kiện, nguồn lực bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền, uỷ quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở địa phương… để đáp ứng yêu cầu thực hiện phân quyền, phân cấp, uỷ quyền.
Thứ tư, tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp, uỷ quyền. Việc phân cấp, phân quyền mạnh cần phát huy vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực của Trung ương cũng như các thiết chế tại địa phương.
Để tạo bước chuyển căn bản và mạnh mẽ cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nước đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đột phát chiến lược “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.[4] cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về phân quyền, phân cấp, uỷ quyền đáp ứng thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.
1. Điều 12, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ( sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Điều 13, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ( sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Điều 14, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ( sửa đổi, bổ sung năm 2019).
4. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam