Tin mới nhất

Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của thiết chế văn hóa hiện nay

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt đó là xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Có thể hiểu rằng, thiết chế văn hóa là thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do Nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Thiết chế văn hóa không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức; nguồn lực tài chính và các chủ thể hoạt động.

Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua đã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cần thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) của Đảng đã xác định: củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có, sắp xếp hợp lý các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và kinh doanh, nâng cấp các đơn vị văn hóa - nghệ thuật trọng điểm, tạo chất lượng mới cho toàn ngành.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII  tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra,  giám  sát,  bảo  đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh  vực  văn  hóa.  Ðổi mới, hoàn thiện các thiết chế  văn  hóa  từ  Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả...”[1].

Thực tiễn xã hội hiện nay cho thấy, thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, thiết chế văn hóa góp phần bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng tộc người, trao truyền cho các thế hệ sau. Mặt khác, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, giáo dục về pháp luật để giảm thiểu các tệ nạn xã hội, từ đó phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cả nước.

Thứ hai, hệ thống thiết chế văn hóa là nơi để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, xã hội của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm giáo dục cho nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, Đảng, Nhà nước, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhà văn hóa, thông qua các thiết chế văn hóa để nhân dân đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội đang diễn ra.

Thứ ba, thiết chế văn hóa không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của thiết chế văn hóa đã huy động được tinh thần đoàn kết của nhân dân, giúp họ thêm yêu quý và gắn bó với quê hương, bản làng.

Thứ , thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới có tiêu chí: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 100%. Tiêu chí này, một mặt, góp phần xây dựng nông thôn mới; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn. 

Tại tỉnh Bình Thuận, đề cao vai trò của hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và chú trọng xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa nói riêng, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, các ngành, các cấp quan tâm các nội dung như: quy hoạch đất, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, phục vụ nhu cầu thiết thực của nhân dân. Tỉnh đã quan tâm đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho các xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hầu hết các thiết chế Nhà Văn hóa xã và thôn, bản sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tương đối tốt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đều khắp các xã và thôn, bản, thu hút khá đông đồng bào đến giao lưu, học hỏi, sáng tạo, cùng tham gia biểu diễn tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hệ thống thiết chế văn hóa  toàn tỉnh Bình Thuận có 01 Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, 09/10 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp huyện (huyện Hàm Tân đang tạm sử dụng các thiết chế khác tại địa bàn); 106/124 Trung tâm Văn hóa và Thể
thao cấp xã, phường; 671/691 Nhà Văn hóa thôn, khu phố đã được trang bị cơ bản
hệ thống âm thanh; số còn lại sử dụng các Trung tâm Học tập cộng đồng,
trường học và các nhà dân tại địa bàn có điều kiện phù hợp để hoạt động tạm thời[2].

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là việc đầu tư cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa ở một số nơi vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác vận động nhân dân tham gia các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện chưa thật sự hiệu quả, một số thiết chế xuống cấp, sử dụng chưa hợp lý...Do đó, để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian tới, thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp như:

Một là, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng và phát huy vai trò các thiết chế văn hóa. Đồng thời, cần kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa để vận hành, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa; tăng cường việc quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc trưng của địa phương thông các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá tại các thiết chế văn hóa ở địa phương.

Hai là, cần quan tâm đầu tư một cách đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở ở các xã, phường, thị trấn bao gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ phục vụ, kinh phí
duy trì hoạt động. Thiết chế văn hóa phải là những công trình kiên cố mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và khát vọng của nhân dân.

Ba là, bên cạnh xây mới các thiết chế văn hóa hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển thì việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các thiết chế văn hóa truyền thống mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với quá trình đánh giặc, giữ nước của cha ông cũng cần được quan tâm hơn khi xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh ta.

Bốn là, tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các
thiết chế văn hóa ở các xã miền núi, vùng sâu nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi
cho người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu, sáng tạo văn hóa và nhằm thu hẹp khoảng
cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng sâu, vùng xa, hải đảo với khu vực thành thị.

Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân ở các cộng đồng để cùng tham gia sôi nổi các hoạt động tại thiết chế văn hóa, cũng như quan tâm xây dựng, bảo vệ các thiết chế văn hóa.

Thiết chế văn hóa đang đồng hành với đời sống nhân dân trong hưởng thụ các giá trị văn hóa và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhân dân không thể hưởng thụ trọn vẹn các giá trị văn hóa nếu thiếu các thiết chế văn hóa hoặc các thiết chế văn hóa lạc hậu, tạm bợ. Do đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay./.


[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.146-147.

[2] Báo cáo số 1703/BC-SVHTTDL ngày 01/7/2021 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam đến năm 2020”


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số