Hiện nay, chi đoàn trường gồm có 12 đoàn viên, làm việc ở những phòng, khoa chức năng khác nhau, phần lớn tham gia công tác giảng dạy (08 đoàn viên). Phát huy truyền thống của Chi đoàn Trường Chính trị, những năm qua, hầu hết đoàn viên Chi đoàn đã luôn gương mẫu, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn đồng thời thể hiện vai trò xung kích trong các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn các cấp, phong trào thi đua do nhà trường, các đoàn thể phát động và đạt được kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của nhà trường. Đạt được kết quả đó là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng, rèn luyện tác phong của đoàn viên.
Thứ nhất: tác phong làm việc
Mỗi đoàn viên luôn xây dựng cho mình tác phong làm việc thật nghiêm túc, khoa học, dân chủ, quyết đoán, luôn đổi mới và sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Khi làm việc luôn xây dựng kế hoạch rõ ràng và có tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch đúng tiến độ đề ra. Tác phong làm việc của đoàn viên còn được thể hiện thông qua tinh thần, thái độ khi tham gia các hoạt động phong trào do tổ chức Đoàn các cấp, do nhà trường, các đoàn thể phát động. Từng đồng chí luôn tham gia các phong trào thi đua với tinh thần nhiệt huyết, bằng ngọn lửa đam mê, gương mẫu, xông xáo, đi đầu để không làm ảnh hưởng đến các hoạt động chung của đoàn.
Thứ hai, tác phong sinh hoạt
Tác phong sinh hoạt là những thói quen, nề nếp và cách thức hành xử thể hiện ra bên ngoài để tạo nên cái riêng của mỗi cá nhân. Đối với từng đoàn viên trong Chi đoàn, luôn xây dựng cho mình đức tính khiêm tốn, cẩn trọng trong công việc, xây dựng thái độ hòa nhã, không tự mãn, tự kiêu, tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Nâng cao tinh thần học hỏi, thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người dựa trên tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau để hoàn thiện bản thân mình. Đoàn viên luôn có lối sống giản dị, chừng mực, lịch sự, giữ gìn đoàn kết nội bộ, tuân thủ nội quy, quy định của Nhà trường, các tổ chức đoàn thể và tổ chức đoàn các cấp. Trang phục chỉnh tề, lịch sự, gọn gàng. Luôn thể hiện tác phong mẫu mực của người giảng viên Trường Chính trị trên giảng đường, trong phong trào Đoàn và cả trong cuộc sống hằng ngày.
Thứ ba, tác phong trong giao tiếp, ứng xử.
Tác phong trong giao tiếp, ứng xử của người đoàn viên được thể hiện qua cách nói năng, cách trò chuyện, giao tiếp hằng ngày. Đa phần đoàn viên đều có ứng xử lịch thiệp, khéo léo, chan hòa, gần gũi, luôn kính trọng và lễ phép với người lớn tuổi; hòa đồng, thân thiện và cởi mở trong giao tiếp với đồng nghiệp, với đoàn viên của các chi đoàn bạn, tinh tế, tôn trọng đối với học viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng tác phong của từng đoàn viên, vẫn còn một vài đoàn viên chưa thể hiện tính gương mẫu, đi đầu; thiếu nhiệt tình, năng nổ trong công việc cũng như trong hoạt động phong trào; hiệu quả làm việc chưa cao; giờ giấc làm việc có lúc chưa đảm bảo; chưa mạnh dạn trong đóng góp ý kiến xây dựng Chi đoàn cũng như đơn vị. Những hạn chế đó phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của người đoàn viên, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của Chi đoàn. Vì vậy, mỗi đoàn viên phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng, rèn luyện tác phong, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục để tự trau dồi, hoàn thiện bản thân mình. Theo đó, mỗi đoàn viên phải tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác, tiên phong, gương mẫu, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện thể chất, trau dồi về lý tưởng và đạo đức cách mạng, tu dưỡng về ý chí và lòng dũng cảm, xây dựng thái độ cầu thị, luôn lắng nghe và học hỏi để hoàn thiện bản thân. Thực hiện tốt các quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017, quy định về ứng xử văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 134/QĐ-TCT ngày 14/5/2019 gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với Chi đoàn, để góp phần xây dựng tác phong cho đoàn viên, cần tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống lành mạnh, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng, tinh thần làm việc nghiêm túc cho đoàn viên để đoàn viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công việc cũng như trong hoạt động phong trào. Thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận về ứng xử văn hóa của đoàn viên để kịp thời nhắc nhở đối với những đoàn viên có những sai phạm. Nêu gương những đoàn viên điển hình tiêu biểu nhằm động viên, khuyến khích tinh thần tham gia hoạt động phong trào. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy trong việc xây dựng tác phong của đoàn viên, từ đó đề ra những giải pháp góp phần xây dựng đoàn viên mẫu mực.
Đối với Đảng ủy, để giúp đoàn viên xây dựng tác phong chuẩn mực, cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, kịp thời có những định hướng chỉ đạo và giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên. Lắng nghe ý kiến phản ánh của học viên về tác phong làm việc, tác phong sinh hoạt và ứng xử của đoàn viên là giảng viên trong quá trình giảng dạy. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định về ứng xử văn hóa gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tất cả đảng viên, viên chức, người lao động trong Nhà trường.
Trong những năm qua, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm và tạo điệu kiện cho Chi đoàn trong mọi hoạt động, trong đó có việc xây dựng tác phong của đoàn viên. Bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị tỉnh Thuận quyết tâm phát huy vai trò xung kích, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xây dựng tác phong mẫu mực để xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trong các phong trào, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.