Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có diện tích tự nhiên 7.812 km2. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện/124 xã, phường, thị trấn/691 thôn, khu phố; dân số trên 1,3 triệu người, gồm 34 dân tộc. Tính đến tháng 6/2021, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc/470 tổ chức cơ sở đảng với 2.353 chi bộ trực đảng bộ cơ sở, 37.100 đảng viên; toàn tỉnh có 25.641 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Từ năm 2009 đến 2020, công tác quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN kịp thời, nghiêm túc, tạo được sự chuyển biến nhất định về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, CBCCVC và Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cấp, các đơn vị, địa phương. Các kế hoạch công tác PCTN của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cơ quan chủ trì thực hiện theo tiến độ thời gian cụ thể, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN với nhiều hình thức phong phú, đa dạng (biên soạn và phát hành tờ rơi, tờ gấp; các tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên Báo Bình Thuận, Đài PT-TH tỉnh và các địa phương…). Công tác tuyên truyền về PCTN luôn gắn với triển khai tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch và triển khai việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy tại các trường THPT và cơ sở đào tạo sau phổ thông trong tỉnh; nội dung giáo dục được bố trí trong chương trình chính khóa, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân, đồng thời kết hợp tuyên truyền qua các hoạt động ngoại khóa. Theo quy định của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh cũng đã đưa chuyên đề về PCTN vào giảng dạy trong chương trình chính khóa của các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đi vào nề nếp, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Thời gian qua, địa phương đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật. Công tác cải cách hành chính được quan tâm. Trên cơ sở các quy định pháp luật đã có hiệu lực thi hành và tình hình thực tế của địa phương, các sở, ban, ngành thường xuyên theo dõi để bổ sung, bãi bỏ kịp thời các thủ tục hành chính và công khai để người dân, doanh nghiệp biết và giám sát việc thực hiện. Năm 2018, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của 18/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Thanh tra tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh). Hoạt động của Trung tâm ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng và sớm hẹn đạt trên 99%, khảo sát mức độ hài lòng trên 90%. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, công sở; mua sắm tài sản công và công tác thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, công dân. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên được chú ý. Việc đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế dùng tiền mặt được các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc; qua đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chống buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền...
Bên cạnh đó, giải pháp về hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ được đẩy mạnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và CCVC thuộc UBND tỉnh theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Công tác quản lý CBCCVC, người lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được UBND tỉnh phân công Sở Nội vụ tham mưu, thực hiện theo phân cấp. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch tuyển dụng CCVC, tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển công khai, đúng quy định. Việc thực hiện chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với CBCCVC được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng đã thực hiện các quy định của Trung ương về thực hiện và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn, sử dụng tài sản công của CBCCVC cũng như thực hiện các quy định về minh bạch tài sản thu nhập; chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho CBCCVC được thực hiện tốt.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kịp thời, đúng pháp luật; các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, tồn đọng, kéo dài đều được các cấp ủy, cơ quan PCTN chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm túc; vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp của các cơ quan và đội ngũ CBCC tham mưu thực hiện công tác PCTN được phát huy và thực hiện ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Từ năm 2010 đến 2020, toàn tỉnh phát hiện 95 vụ/161 người tham nhũng với tổng thiệt hại gây ra 28.756,940 triệu đồng, 304m2 đất ở và cấp sai 04 giấy CNQSDĐ có tổng diện tích 120.812m2 đất nông nghiệp, trị giá 2.066,949 triệu đồng. Đã thu hồi được 24.208,527 triệu đồng, 304m2 đất ở và 04 giấy CNQSDĐ với diện tích 120.812m2 đất nông nghiệp, đạt tỷ lệ trên 84,18%; tịch thu sung vào công quỹ Nhà nước 811,444 triệu đồng và 13.548 kg cát đen.
Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp, các cơ quan truyền thông và quần chúng Nhân dân phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong công tác giám sát và thực hiện PCTN. 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp ủy và UBND cấp xã, các tổ chức hội đoàn thể và các cơ quan trên địa bàn tỉnh đều công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử hoạt động 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, công tác PCTN tại tỉnh Bình Thuận cũng còn một số hạn chế, thiếu sót. Chất lượng công tác tuyên truyền về PCTN ở địa bàn dân cư còn hạn chế so với yêu cầu về cả nội dung, phương pháp, hình thức; việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, chưa sâu kỹ; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thực hiện chưa cụ thể, thiếu phù hợp. Nhận thức, trách nhiệm của một số đảng viên, CBCCVC, trong đó có người đứng đầu về công tác PCTN chưa đầy đủ, còn một số thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến vi phạm phải bi xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự.
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; một số quy trình xử lý vụ việc chưa được điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định; chưa quyết liệt trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác PCTN theo thẩm quyền. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, tài chính, tài sản của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều sơ hở, sai phạm, có nơi để xảy ra sai phạm kéo dài nhưng chậm phát hiện và xử lý kịp thời, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả sai phạm.
Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng một số vụ án còn thấp; công tác giám định tư pháp, nhất là giám định về tài chính, thiệt hại rừng, định giá tài sản còn chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xử lý. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng tại một số nơi hiệu quả còn hạn chế; số vụ việc tham nhũng phát hiện qua tự kiểm tra nội bộ còn thấp. Việc chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy rat ham nhũng trong cơ quan, đơn vị còn chưa kiên quyết, chậm thực hiện, dẫn đến một số trường hợp không xử lý kỷ luật được vì hết thời hiệu. Hoạt động giám sát công tác PCTN của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng và nội dung chưa toàn diện.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên là do lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, yêu cầu của công tác PCTN; có lúc, có nơi buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên những khâu, công việc dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; công tác tự kiểm tra nội bộ của một số cơ quan, đơn vị còn yếu, chưa kịp thời phát hiện để xử lý ngăn ngừa, giáo dục, răn đe có hiệu quả ngay tại cấp, ngành mình quản lý. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN và giáo dục chính trị, lý tưởng cho CBCCVC còn hạn chế; việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hình thức, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của CBCCVC trong tham gia giám sát để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở. Trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận quan tâm.
Để công tác PCTN tiếp tục đạt hiệu quả hơn trong thời gian đến, cấp ủy, lãnh đạo các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương trong tỉnh phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác này và thường xuyên chỉ đạo, thực hiện công tác PCTN; đề cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu; thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, các nội dung về công khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Thường xuyên đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học- công nghệ; minh bạch công khai hoạt động cơ quan và tài sản thu nhập của CBCCVC; chuyển đổi vị trí công tác các chức danh theo quy định; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị, địa phương xảy ra tham nhũng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật; coi trọng công tác tự thanh tra, tự kiểm tra nội bộ; củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PCTN đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tham mưu trên lĩnh vực PCTN. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng và Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN theo đúng quy định của pháp luật./.