Tin mới nhất

Dấu ấn Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trong đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Với hoạt động của Quốc hội, đồng chí đã để lại dấu ấn trong đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đặc biệt là sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. Đây là bước tiến mới cho nền dân chủ nước ta, đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), xin được đề cập đến vai trò của Chủ tịch Quốc hội trong đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội.

Ngày 17/6/1987, tại Phiên họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững bước tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Quốc hội - cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất của Nhà nước phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.

Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của đồng chí Lê Quang Đạo trong giai đoạn này là thực hiện sáng tạo đổi mới của Đảng để tổ chức triển khai đổi mới các hoạt động của Nhà nước nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng cũng như sự lãnh đạo của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn trước những biến đổi nhanh chóng, bất lợi của tình hình thế giới đối với nước ta vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỉ XX, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Quốc hội khóa VIII dưới sự điều hành của đồng chí và Hội đồng Nhà nước, Quốc hội đã ban hành 2 bộ luật, 25 luật, 40 pháp lệnh và nghiên cứu để chuẩn bị thể chế hóa nhiều luật và pháp lệnh quan trọng khác, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đổi mới đất nước. Đồng chí Lê Quang Đạo cũng rất chú trọng tới những vấn đề lý luận và thực tiễn, đổi mới phong cách làm việc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó chính là minh chứng về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đề cao quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đất nước. Đây là mục tiêu và đích hướng tới trong hoạt động của Quốc hội.

Cùng với việc xây dựng các đạo luật, vấn đề thực hiện tốt quyền làm  chủ của nhân dân thông qua lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội chú trọng hơn tới chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đặc biệt quan tâm. Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội, từng bước vươn lên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Một quyết định khác của đồng chí Lê Quang Đạo đã mở ra thời kỳ ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội. Một lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão than phiền về cách thức lấy biểu quyết (giơ tay và đếm số người biểu quyết), vừa không giữ được bí mật khi cần, lại mất nhiều thời gian và không đảm bảo chính xác, nên có trường hợp những người không biểu quyết cũng được coi như tán thành. Chủ tịch Lê Quang Đạo nhận xét: “Đây không phải là vấn đề nhỏ. Nó liên quan tới thái độ nghiêm túc của Quốc hội đối với vấn đề lập pháp”. Rồi đồng chí hỏi: “Sao ta không sử dụng biểu quyết bằng điện tử?”. Sau đó, đồng chí gợi ý có thể nhờ Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng làm giúp. Chỉ một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của Tổng cục, Quốc hội đã có một hệ thống biểu quyết bằng điện tử vận hành nhanh gọn, chính xác.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết.

Là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Lê Quang Đạo đã để lại dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội nói chung, trong công tác lập pháp nói riêng. Có thể khẳng định, 6 năm (1987-1992) trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần quan trọng đáng kể cho công cuộc đổi mới tổ chức và hoạt động Quốc hội, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo./.


Tài liệu tham khảo:

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (08/8/1921 - 08/8/2021).


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số