Ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vi nhựa ảnh hưởng đến hầu hết các mắt xích của chuỗi thức ăn trong môi trường biển, như: vi nhựa polyvinyl clorua kích thước 1 µm có thể ức chế gần 40% tốc độ sinh trưởng của vi tảo biển Skeletonema costatum sau 96 giờ tiếp xúc, khả năng hấp thu thực vật phù du của loài chân kiếm Centropages typicus (động vật phù du) kém đi khi có mặt vi nhựa; Hải âu tưởng mảnh nhựa đỏ là mực, Rùa biển thường nhận nhầm túi ni lông là sứa.... Mặt khác thông qua chuỗi thức ăn, các sinh vật lớn trong biển cũng tiếp nhận vi nhựa từ các các loài sinh vật nhỏ do tích lũy sẵn, khi vào cơ thể nó gây tổn hại thành ruột, thay đổi hoạt động chuyển hóa của gan, làm mất căn bằng oxy hóa trong cơ thể hoặc gây tắc nghẽn, dẫn tới giảm khả năng hấp thụ của sinh vật, thậm chí gây tử vong; Với những sinh vật biển khi vướng vào lưới đánh cá bị bỏ đi hoặc các loại rác thải nhựa khác, chúng sẽ không thể thoát ra được nên sẽ yếu dần và chết…
Ảnh hưởng đến môi trường: trong môi đường đất, theo thời gian rác thải nhựa sẽ bị phân rã thành các hạt vi nhựa từ đó sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm hoặc làm thay đổi về tính chất vật lý của đất, làm đất không có khả năng giữ được nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh, thảm thực vật, các động vật và nhiều hệ sinh thái trong tự nhiên. Đối với môi trường nước, đặc biệt là môi trường biển, trong cơ thể các sinh vật biển đều chứa nhiều vi nhựa và đó là một trong những nguyên nhân lớn gây phá hủy hoặc suy giảm sự đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển… Với những rác thải nhựa do bị vứt hoặc do tác động từ các yếu tố tự nhiên như bị cuốn trôi theo nước mưa, gió, bão…xuống cống, sông, ao hoặc hồ, theo thời gian sẽ làm thu hẹp diện tích, gây cản trở dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước làm ngập đường phố, ô nhiễm môi trường đáy…
Ảnh hướng đến sức khỏe con người: rác thải nhựa ảnh hưởng đến sức khỏa con người bằng nhiều nguồn tiếp xúc, chẳng hạn thông qua chuỗi thức ăn các vi nhựa sẽ đi vào cơ thể con người và là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến sức khỏe, như: bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác…
Bên cạnh đó, rác thải nhựa nói riêng và rác thải nói chung gây một số ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến là ngành du lịch. Công tác quản lý, kiểm soát chất thải còn có một số hạn chế tại các khu du lịch, các bãi biển, resort dẫn đến việc xả rác thải nhựa bừa bãi (túi ni lông, bao bì nhựa…) cùng với một lượng lớn chất thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch, kỳ nghĩ lễ, Tết…gây mất vệ sinh, vẻ mỹ quan, ô nhiễm môi trường, tạo cảm giác thất vọng khi khách du lịch đến tắm…, từ đó làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các doanh nghiệp du lịch, tăng chi phí cho quá trình dọn dẹp vệ sinh, giảm sức thu hút khách du lịch tại địa phương và nhiều vấn đề khác có liên quan.
Tại Bình Thuận, việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh quan tâm, đã phối hợp, thực hiện có hiệu quả, nhiều cuộc thi, mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực được triển khai để giải quyết rác thải nhựa, như: tuyên truyền người dân, đoàn viên, thanh niên nâng cao ý thức xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường…thông qua website, fanpage hoặc phong trào “Hành trình của lốp xe” của Tỉnh đoàn, với việc tận dụng những chiếc lốp cũ, không còn sử dụng, sau đó sơn, sửa thành các khu vui chơi tái chế tại các điểm trường mầm non, các điểm nhà văn hóa, điểm vui chơi cộng đồng…; các doanh nghiệp du lịch phối hợp cùng với chính quyền địa phương, đoàn viên, thanh niên tổ chức thu gom rác thải dọc ven bờ và các điểm tắm công cộng; Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên nhi đồng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức hàng năm, bên cạnh giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai, thông qua các mô hình, sản phẩm được làm từ những vật liệu thông thường như chai nhựa, ống hút nhựa, túi nhựa… giúp các em nâng cao hơn nữa việc ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của rác thải nhựa gắn với thực hiện theo Thư kêu gọi số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa”, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính Phủ “Về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”, Kế hoạch hành động số 435/KH-UBND ngày 10/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Một số giải pháp xem xét thực hiện như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức/cá nhân, doanh nghiệp, công ty về tác hại của rác thải nhựa; đồng thời đưa nội dung giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng vào các hoạt động ngoại khóa ở tất cả các cấp học theo nội dung và hình thức phù hợp; Tại các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai nhựa đựng nước, ống hút,…dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và hoạt động công sở;
Hai là, hướng dẫn thực hiện giảm thiểu, thu gom rác thải nhựa theo từng ngành, lĩnh vực như: với ngành du lịch giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông tại các điểm, đơn vị kinh doanh du lịch, các điểm di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở hoạt động văn hóa, bố trí các thùng thu gom rác thải tại các vị trí thích hợp…; với ngành thủy sản cần có các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp (để làm nổi các lồng bè nuôi cá), thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển; với ngành chăn nuôi, trồng trọt cần thực hiện việc thu gom các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu…; với ngành công nghiệp vận động các doanh nghiệp, xí nghiệp thực hiện giảm thiểu sử dụng nhựa, thay thế vật liệu nhựa bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, quản lý chất thải nhựa…
Ba là, xây dựng lộ trình tiến tới không sử dụng hoặc thay thế các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện môi trường để đóng gói bao bì, hàng hóa, sử dụng tại công sở, các trung tâm thương mại, siêu thị và trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Cần có cơ chế khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức/cá nhân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân compost tại nhà, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa…từ đó giảm thiểu được lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng phải thu gom.
Bốn là, tăng cường vận động nhân dân, các doanh nghiệp, công ty, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế…trên địa bàn, triển khai các phong trào, mô hình: chống chất thải nhựa, giảm thiểu, phân loại và thu gom chất thải nhựa; Tổ chức và thực hiện các hoạt động thu gom rác thải trên các sông, kênh, mương, ven bờ biển, điểm du lịch...gắn với thực hiện tốt các chủ đề về Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6)…được tổ chức hàng năm. Sử dụng các phương tiện tàu thuyền, máy móc chuyên dụng thu gom vớt rác thải trên sông và rác biển để giảm thiểu chất thải nhựa đổ ra biển, đại dương.
Năm là, chú trọng hơn nữa việc tái chế, tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh bảo vệ môi trường ngày một xanh đẹp hơn. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất bao bì, túi xách thân thiện môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa khó phân hủy, tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sinh học (bio plastic) và các vật liệu thân thiện môi trường.
Sáu là, tiếp tục thực hiện xã hội hóa, nâng cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động giảm thiểu, tái chế, xử lý, phân loại, thu gom chất thải nhựa trên biển, bờ biển, sông, suối…; Tuyên dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã có mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, chất thải nhựa; thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa và các quy định khác về công tác bảo vệ môi trường./