Tin mới nhất

Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức tin cậy của giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam

Tổ chức Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị -xã hội của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam. Qua 92 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của tổ chức mình trong hệ thống chính trị nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đồng thời là điểm tựa tin cậy của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Năm 1958, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, đánh dấu bằng sự kiện đổ quân lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Mục đích của chúng là chiếm Việt Nam làm thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt; chiếm Việt Nam làm căn cứ quân sự của Pháp tại vùng Đông Nam Á. Sau khi đặt ách thống trị lên toàn bộ nước ta, thực dân Pháp cấu kết với bọn phong kiến tay sai tiến hành khai thác các hầm mỏ, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, mở các tuyến đường, mở các đồn điền trồng cây công nghiệp,…từ đó, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời – đó là những công nhân làm thuê, phần lớn tập trung ở các thành phố, các khu công nghiệp. Năm 1906 nước ta có khoảng 5 vạn công nhân. Đến cuối năm 1929, tổng số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản Pháp là hơn 22 vạn người, trong đó có 5,3 vạn thợ mỏ; 8,6 vạn công nhân các ngành công thương nghiệp.

Do bị bóc lột nặng nề, giai cấp công nhân Việt Nam đã nung nấu ý chí đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột. Chính trong quá trình đấu tranh, công nhân đã dần nhận thấy cần phải đoàn kết, hoạt động có tổ chức; do vậy, Hội Ái hữu đầu tiên được công khai thành lập theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ vào năm 1906. Từ 1907, tại Hà Nội và một số nhà máy, hầm mỏ Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã xuất hiện các hội Ái hữu. Năm 1926, Tôn Đức Thắng bắt liên lạc được với Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Theo chỉ đạo của Người, các hội viên Thanh niên đã tỏa đi thâm nhập các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp tổ chức ra các Công hội cách mạng của giai cấp công nhân. Những năm 1928 – 1929, chủ nghĩa Mác Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam đã làm cho phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của phong trào cách mạng, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng để đưa phong trào tiếp tục đi lên. Tháng 6/1929, đại biểu từ các tổ chức cộng sản được thành lập ở các tỉnh Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị đã thông qua chính cương, tuyên ngôn, điều lệ của Đảng, thừa nhận đường lối của Quốc tế Cộng sản, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/7/1929, theo Quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ và phương hướng hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Đại hội quyết định xuất bản “Báo Lao động” làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan lý luận của Công hội đỏ trong giai cấp công nhân. Với sự xuất hiện của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, có điều lệ, có tờ báo là cơ quan tuyên truyền vận động thống nhất trong phong trào công nhân nước ta.

Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1983, Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày khai mạc Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, làm ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo giai cấp công nhân, người lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhiều đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1930 -1954) và sự can thiệp của đế quốc Mỹ xâm lược (1954 -1975); tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (1975 đến nay). Ghi nhận vai trò của tổ chức Công đoàn, Điều 10 Hiến pháp nước ta quy định: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phát triển kinh tế -xã hội đất nước, nòng cốt của khối đoàn kết toàn dân. Công đoàn thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của tổ chức mình, trong đó chú ý thực hiện vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.  Với việc vận động đoàn viên, người lao động triển khai thực hiện các phong trào như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”.…Công đoàn Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước.

Để tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn trong điều kiện mới, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", trong đó mục tiêu tổng quát được xác định “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Trong thời gian tới, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ mới, thách thức mới khi đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; vì vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần thực hiện tốt các giải pháp mà Nghị quyết 02-NQ/TW đã chỉ rõ. Theo đó, Công đoàn cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, theo hướng Công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Mặt khác, cần xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay, giao nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ nêu trên, trong thời gian đến, tổ chức Công đoàn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội; đặc biệt là sự ủng hộ của đoàn viên, người lao động cùng chung tay xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số