Karl Marx là người có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có niềm say mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Karl Marx sớm có tinh thần dân chủ cách mạng; có tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do với ước mơ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bất công, nô dịch. Trong di sản lý luận kinh điển đồ sộ và uyên bác của Karl Marx, bộ sách “Tư bản” và “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là những tác phẩm bất hủ, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới.
Trên lĩnh vực triết học, triết học của Karl Marx là một chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức qua những phát kiến vĩ đại nhất của Karl Marx đối với nhân loại, như Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”.
Đối với lĩnh vực kinh tế chính trị, Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư - “quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra”. Đánh giá về khám phá vĩ đại trên của Karl Marx, Lênin từng khẳng định: “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Karl Marx”.
Về chủ nghĩa xã hội khoa học, cống hiến vĩ đại của Karl Marx là đã phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của xã hội, chỉ rõ giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử tiêu diệt chế độ tư bản, sáng tạo ra xã hội mới. Karl Marx khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Có thể khẳng định, với hệ thống lý luận hoàn chỉnh gồm ba bộ phận cấu thành là Triết học Mác-xít, Kinh tế chính trị Mác-xít và Chủ nghĩa xã hội khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau. Lênin từng ca ngợi: “Học thuyết của Karl Marx là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”. Qua đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã tìm thấy trong học thuyết của Karl Marx vũ khí lý luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, hướng tới một tương lai xán lạn.
Kỷ niệm 204 năm (05/5/1818 - 05/5/2022) Ngày sinh Karl Marx là dịp để chúng ta ôn lại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những cống hiến vĩ đại của Người đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển, đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác những luận điệu, tư tưởng phản động, cơ hội của các thế lực thù địch. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, giữ vững niềm tin son sắt vào lý tưởng cộng sản cao đẹp và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và Nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, năng động và sáng tạo, khơi dậy khát vọng toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.